Thứ Ba, 07/05/2024 22:27 (GMT +7)

Bến Lức đồng hành cùng con trên không gian mạng

Thứ 6, 09/06/2023 | 22:20:59 [GMT +7] A  A

Năm học 2022-2023 đã kết thúc, các em học sinh đã được nghỉ học và có nhiều thời gian để thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ hè sau một năm miệt mài học tập. Khác với tâm lý háo hức, vui vẻ của các em thì nhiều phụ huynh lại lo lắng trước việc làm sao để quản lý con em mình ở nhà cho an toàn, lành mạnh, tránh để trẻ bị cuốn hút vào các thiết bị điện tử.

Không hề cấm đoán con mà chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền luôn âm thầm giám sát và đồng hành cùng con trong việc sử dụng thiết bị thông minh

Bận rộn với công việc nhưng mỗi ngày chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - ấp Voi Lá, xã Long Hiệp huyện Bến Lức vẫn luôn sắp xếp thời gian hợp lý để đưa đón con trai chuẩn bị vào lớp 4 tham gia các lớp học hè, lớp học năng khiếu. Khoảng thời gian còn lại thì hầu hết con trai đều theo chị đến văn phòng - nơi chị tự kinh doanh. Cũng như những đứa trẻ khác, con trai chị Tuyền cũng thích sử dụng điện thoại, máy tính bảng và tivi để xem những chương trình bản thân yêu thích. Không hề cấm đoán con mà chị Tuyền luôn âm thầm giám sát và đồng hành cùng con.

Chị Phạm Thị Hồng Loan đồng hành cùng con trong việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - ấp Voi Lá, xã Long Hiệp nói: “Khi con tôi xem điện thoại hay tivi tôi đều ngồi xem cùng con. Trong trường hợp bản thân bận việc gì đó thì sau mỗi lần như vậy tôi đều nhẹ nhàng trò chuyện hỏi xem con xem gì. Ngoài ra, sau mỗi ngày làm việc trở về nhà, buổi tối chồng tôi cũng dành thời gian chơi với con và cũng xem lại những thông tin, nội dung mà con đã xem trong ngày. Bản thân coi cũng quy định thời gian, một ngày chỉ cho con xem điện thoại hay tivi khoảng 1 tiếng thôi và cũng giải thích với con là vì sao nên như vậy để con hiểu.”

Chị Thanh Tuyền cũng chia sẻ trong trường hợp con xem những nội dung không phù hợp với lứa tuổi thì chị cũng nhẹ nhàng ngồi lại giải thích cho con hiểu. Chị cho rằng việc la mắng và cấm đoán con sẽ không có tác dụng mà ngược lại còn khiến con tò mò hơn. Vợ chồng chị đều bận công việc, nhưng cả hai đều nhiều dành thời gian nhất có thể để cùng xem và trò chuyện với con về nội dung những chương trình con yêu thích. Từ đó, kích thích sự hứng thú và yêu thích của con đối với những nội dung này.

Chị Phạm Thị Hồng Loan định hướng cho con những thông tin có ích trên không gian mạng

Còn với chị Phạm Thị Hồng Loan cùng ngụ ấp Voi Lá xã Long Hiệp thì chị và con trai luôn đồng hành cùng nhau trên mạng xã hội. Chị chia sẻ, trên facebook hay zalo, mẹ con chị đều có sự kết nối với nhau không chỉ để tiện trong việc liên lạc khi cần mà còn giúp chị hiểu nhiều hơn về những sở thích của con. Với việc kết bạn trên mạng xã hội, khi phát hiện con trai mình like hoặc share những thông tin chưa tốt thì chị có thể kịp thời nhắc nhở, phân tích cho con hiểu. Con trai chị sắp bước vào năm cuối cấp - lớp 12 nên chị luôn đồng hành cùng con trong việc học tập, cũng như giải trí. Ngoài những giờ học tập thì mẹ con chị cũng thường xuyên cùng nhau lướt facebook để giải trí. Và chị luôn định hướng cho con những thông tin nào nên xem, những thông tin nào nên bài trừ.

Việc định hướng, rèn luyện kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho trẻ em thời gian qua đã được Hội Liên hiệp phụ nữ xã đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội. Cùng với đó, Hội cũng thường xuyên gửi những thông tin tuyên truyền ngắn, nhắc nhở chị em qua các nhóm zalo và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau thực hiện”, chị Nguyễn Thị Thu Diễm – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Long Hiệp nói.

Phần lớn các chị em phụ nữ đều chia sẻ muốn kết bạn, làm bạn được với con từ trong thế giới ảo cho đến ngoài đời thật thì phụ huynh cần chú ý tôn trọng quyền cá nhân, riêng tư của con. Có như thế mới tạo cho con cảm giác được đồng hành chứ không phải là theo dõi, giám sát. Và tùy tình huống tiêu cực phát sinh, cũng như tùy lứa tuổi của các em mà có những biện pháp giải quyết khác nhau. Như thế thì sự đồng hành của phụ huynh mới thật sự trở thành “vắc xin số” giúp trẻ em chống lại những tiêm nhiễm tiêu cực từ không gian mạng./.

Kim Phượng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu