Thứ Năm, 23/01/2025 09:26 (GMT +7)

Bến Lức: Giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của áo dài Việt Nam

Thứ 4, 08/03/2023 | 09:28:03 [GMT +7] A  A

Để góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bến Lức đã phát động trong cán bộ, hội viên và phụ nữ thực hiện việc mặc áo dài trong các sự liện và dịp lễ, Tết. Qua đó đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình từ chị em phụ nữ không phân biệt lứa tuổi.

Ở các xã, thị trấn hội viên phụ nữ mặc áo dài truyền thống vào các dịp Lễ, Tết, hội họp, tổng kết, ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư…Ai ai cũng cảm thấy tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống.

Các cô giáo hưởng ứng “Tuần lễ áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam”

Còn đối với các nữ sinh thì việc áo dài không chỉ đơn thuần là quy định bắt buộc của nhà trường nữa mà đó còn là góp một phần nhỏ để giữ gìn và phát huy giá trị di sản của dân tộc. Nhiều nữ sinh chia sẻ các em thấy tự hào, tự tin và hãnh diện hơn khi khoác trên mình tà áo dài thướt tha, duyên dáng đến trường.

Em Ngô Ngọc Trân Châu - lớp 10A2 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nói: “Em cảm thấy vui và tự hào khi mặc áo dài đến trường, trở thành 1 trong hàng trăm tà áo dài thướt tha bước đi trên sân trường. Trong mắt em thì hình ảnh các bạn nữ mặc áo dài bước đi trên sân trường trước những buổi học hoặc khi tan trường thì đó là hình ảnh rất đẹp và có lẽ nó sẽ lưu giữ mãi trong ký ức của em sau này khi rời ra ghế nhà trường bước vào một chặng đường mới.”

Nhiều nữ sinh chia sẻ các em thấy tự hào, tự tin và hãnh diện hơn khi khoác trên mình tà áo dài thướt tha, duyên dáng đến trường

Với những người tạo ra chiếc áo dài thì việc nâng niu, cắt may, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, đó không dừng lại ở việc mưu sinh mà còn là niềm đam mê, sự yêu thích đối với trang phục truyền thống của đất nước.

Chị Huỳnh Kim Ảnh – chủ nhà may Ảnh Huỳnh, ấp 4 xã An Thạnh cho biết: “Trước đây khi mình học may thì được học tất cả các kiểu quần áo, nhưng sau này mình nhận may áo dài cho khách quá nhiều nên mình chọn lọc bớt lại. Trong số các loại trang phục thì mình thích nhất là áo dài, bởi vì khi nhìn thấy các chị em mặc chiếc áo dài mình thấy rất thích, trong lòng có một cảm giác vui, lạ, rất khó tả. Hơn nữa bản thân mình cũng rất thích mặc áo dài, vì vậy mà mình quyết định chọn lọc lại chỉ may trang phục áo dài là chủ yếu. Mỗi năm cứ đến dịp 8/3, 20/10, 20/11 và đặc biệt vào mùa tựu trường thì lượng khách đến tiệm may của mình đặt may áo dài rất nhiều. Dù khối lượng công việc nhiều nhưng mình vẫn cố gắng tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ cho khách với mong muốn khách hàng sẽ có những chiếc áo dài đẹp nhất.”

Áo dài được chọn mặc trong những dịp quan trọng như cho trang phục cưới giúp các cô dâu càng thêm duyên dáng

Theo thời gian, áo dài Việt Nam đã được cách tân, tuy nhiên phần lớn vẫn giữ được “hồn” của chiếc áo dài truyền thống của dân tộc. Và trong nhịp sống hiện đại ngày nay, sự thay đổi của áo dài cũng góp phần giúp cho tiện lợi hơn, có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi: dùng làm trang phục công sở của công chức, viên chức, đồng phục đi học của học sinh, mặc để tiếp khách trang trọng trong nhà, trong những dịp quan trọng như trang phục cưới giúp cho cô dâu càng thêm duyên dáng.

Chiếc áo dài cùng ba năm cấp 3 sẽ là ký ức không quên với các em học sinh
Chiếc áo dài cùng ba năm cấp 3 sẽ là ký ức không quên với các em học sinh

Mỗi độ tết đến uân về, rất nhiều chị em phụ nữ chọn áo dài làm trang phục mặc bởi nét đẹp dịu dàng, duyên dáng mà sang trọng. Họ mặc áo dài đi chùa, đi chúc tết hay dạo phố, chụp ảnh…

Từ những lẽ đó mà văn hóa mặc áo dài của người Việt cũng đã được “hồi sinh” mạnh mẽ, đưa áo dài đi vào đời thường, gần gũi với người dân hơn. Mỗi người lại càng thêm trân quý, giữ gìn nét văn hóa dân tộc và góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khi khoác lên mình chiếc áo dài – quốc phục của Việt Nam.

Kim Phượng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu