Tất cả chuyên mục

Trên những cánh đồng mía ở huyện Bến Lức, nhiều ruộng mía đã héo khô vì quá kỳ thu hoạch. Trên bờ ruộng, nhiều bó mía đã đốn nằm chỏng chơ vì không có người mua. Thậm chí, nhiều hộ nông dân còn trả tiền ngược lại và năn nỉ cho luôn mía để thương lái đốn dùm mình nhưng vẫn không được, đành phải đốt bỏ… Chưa khi nào người dân đành trơ mắt nhìn ruộng mía chết khô ngoài đồng vì mía ko ai mua…
Dù rất buồn vì đã gần 40 năm gắn bó với cây mía, nhưng sau hai niên vụ mía ( từ 2017-2019) vừa qua, ông Huỳnh Ngọc Vân, ở ấp 2 xã Lương Bình, cũng đành ngậm ngùi phá bỏ mía để chuyển sang trồng chanh không hạt. Theo ông Vân, niên vụ 2017-2018, hơn 1,2 hecta mía của gia đình ông được thương lái hỏi mua và bỏ cọc 5 triệu, nhưng sau đó lái mía lặn mất tăm, gia đình ông Vân đành bỏ thêm tiền để thuê nhân công phá mía và trồng lại niên vụ mới 2018-2019 với hy vọng chờ các ngành chức năng vực dậy được ngành mía đường của địa phương. Nhưng giờ đây, chỉ tay về cánh đồng mía khô héo, xác sơ,… Ông Vân rơi nước mắt vì theo ông, vào những năm 90 thì chính cánh đồng mía nầy đã cho gia đình ông một cuộc sống khá đủ đầy để cất được nhà cửa khang trang, nuôi dạy 4 người con khôn lớn.
Ông Huỳnh Ngọc Vân, chia sẻ: “Tôi được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh xét giải ngân cho vay 30 triệu đồng, số tiền này tôi thuê cober làm lại đất và mua chanh giống về trồng thay cho cây mía. Cây chanh dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, lại cho thu nhập ổn định hơn mía. Nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất vẫn là nếu nông dân ồ ạt bỏ mía trồng chanh, thì liệu cái vòng lẩn quẩn chặt – trồng – trồng – chặt nầy khi nào thì tái diễn lại. Vì vậy, đề nghị nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, gỡ khó cho người nông dân; Hội nông dân của huyện, xã có hướng chuyển đổi cây trồng như thế nào để giải quyết cho bà con trong vấn đề canh tác trong thời gian tới, để chúng tôi an tâm sản xuất.”
Theo quan sát của chúng tôi, hiện không riêng ông Vân mà đã có rất nhiều nông dân bỏ mía để chuyển sang trồng chanh không hạt. Bởi theo đánh giá của bà con, những năm gần đây trồng chanh không hạt cho hiệu quả kinh tế rất cao nên không bị áp lực lớn về nguồn thu nhập. Còn trồng mía cả năm mới thu hoạch một lần và còn bị thua lỗ nặng nên sẽ càng bế tắc hơn.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch Hội nông dân xã Lương Bình cho biết: Trước đây, người dân Lương Bình làm giàu nhờ cây mía, nếu không có giải pháp kịp thời thì sẽ có nguy cơ mất gốc cây mía tại nơi đây. Điển hình, niên vụ miá 2018-2019 vừa qua, trên địa bàn xã có trên 400 heacta diện tích trồng mía được chuyển đổi sang trồng cây khác, đối với những hộ đã chuyển đổi, xã tiến hành chuyển giao khoa khoạc kỹ thuật cũng như xét giải ngân nguồn vốn vay từ “Quỹ hỗ trợ nông dân” và từ các tổ chức tính dụng khác. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn không ít hộ nông dân vẫn đang loay hoay không biết trồng gì để thay mía do không đủ vốn để đầu tư, thậm chí nhiều hộ còn rao bán luôn đất hoặc cho thuê đất….. Điều quan trọng hiện nay chúng tôi mong muốn là các ngành chức năng làm cầu nối, kêu gọi các doanh nghiệp có phương án hỗ trợ giống, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì mới mong người dân thoát khỏi cảnh lúng túng trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Qua thống kê của ngành nông nghiệp, niên vụ mía 2018-2019, nông dân trong huyện Bến Lức trồng được hơn 4.500ha, giảm hơn 1.000ha so với cùng kỳ. Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, diện tích mía dần được thay thế bởi cây trồng khác là điều tất yếu. Do đó, để nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía, ổn định diện tích, ngoài những chính sách hỗ trợ thì cần phải có những giải pháp căn cơ để tạo niềm tin cho người trồng mía để họ an tâm sản xuất thì vùng mía nguyên liệu mới được đảm bảo./.
Việt Hằng
Ý kiến ()