Thứ Tư, 05/02/2025 02:53 (GMT +7)

Bến Lức: khó khăn cho vùng mía nguyên liệu

Thứ 7, 31/03/2018 | 10:30:00 [GMT +7] A  A

Được xem là vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Long An, chưa bao giờ người trồng mía ở huyện Bến Lức kêu khổ như niên vụ thu hoạch mía 2017 – 2018.

Ông Ngô Văn Mật, ấp 6 xã Tân Bửu cho biết, trong mười mấy năm sống bằng nghề trồng mía thì đây là năm gia đình ông khốn đốn nhất vì giá mía giảm xuống đáy. Nhà có 5 hecta mía đang kỳ thu hoạch, ông chạy khắp nơi tìm thương lái để bán. Có người hứa đến mua với giá 200.000 đồng/tấn nhưng cuối cùng “lặn” mất tăm trong khi vốn đầu tư là vốn vay ngân hàng, giờ mía không bán được. Muốn phá bỏ cũng không xong vì giá thuê nhân công chặt bỏ tốn cả chục triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, ngụ cùng ấp 4 – người có hơn 20 gắn bó với nghề trồng mía thì vốn để đầu tư lên liếp, mía tơ, phân bón, công chăm sóc khoảng 40 triệu đồng/ha. Niên vụ mía này, gia đình ông trồng 1,4 ha, sản lựơng đạt khoảng 75-80 tấn/ha, với giá bán 200.000 đồng/tấn, ông lỗ 20 triệu đồng/ha.

Huyện Bến Lức là vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh với diện tích những năm 2010-2013 lên đến 8.500 ha. Tuy nhiên, nhiều năm qua, nguồn lợi thu về từ cây mía ở địa phương này luôn không ổn định, làm cho diện tích trồng mía ngày một teo tóp dần, hiện tại chỉ còn khoảng hơn 6.000ha, trong khi đó diện tích của các loại cây trồng khác như thanh long, chanh, mỳ,.. liên tục tăng. Đây là một vòng luẩn quẩn không chỉ làm cho cuộc sống của người nông dân không ổn định mà cũng làm đau đầu những nhà quản lý muốn phát triển vùng trồng mía của tỉnh.

 

Từ sau tết Nguyên đán 2018 đến nay, hàng ngàn hecta mía của nông dân các xã Tân Bửu, Tân Hòa, Lương Hòa,… đang có dấu hiệu trổ cờ trắng, chết khô ngoài đồng. Hàng năm, bước vào tháng 10, người dân bắt đầu thu hoạch và tập trung cao điểm nhất vào tháng 11 đến tháng 12 là kết thúc niên vụ trồng mía. Nhưng ở vụ mía năm nay, đến thời điểm này, hàng ngàn hecta mía của cả huyện vẫn chưa thu hoạch xong. Nguyên nhân, do nhà máy đường NIVL đang hoạt động cầm chừng dẫn đến năng suất tiêu thụ thấp, giá mía rớt sâu, chỉ còn 150.000 – 200.000 đồng/tấn.

Với những khó khăn của nghề trồng mía, các nhà quản lý cần phải có một giải pháp hữu hiệu để vực dậy loại cây trồng đã gắn bó lâu đời với nông dân Bến Lức.

Việt Hằng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu