Chủ Nhật, 02/02/2025 12:50 (GMT +7)

Bến Lức: Người “canh giấc” cho các liệt sĩ

Thứ 5, 14/07/2022 | 13:29:02 [GMT +7] A  A

Vào thời điểm cả nước đang hướng về kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với hàng vạn việc làm, hành động nghĩa tình tri ân, quản trang Lê Thanh Cẩn (sinh năm 1965) – người gần 20 năm canh giữ “giấc ngủ” cho các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Lức cũng không khỏi bồi hồi, càng nhủ lòng phải nỗ lực hơn với phần việc mình đang đảm nhận.

Ông Lê Thanh Cẩn  ấm lòng khi được chăm sóc mộ phần các Anh hùng liệt sĩ.

Năm 2004, ông Lê Thanh Cẩn nộp đơn xin vào làm việc tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Lức để chăm lo hương khói, quét dọn nơi đây. Lúc ấy, tuy công việc chính là bảo vệ tài sản của nghĩa trang nhưng hàng ngày, ông Cẩn vẫn cùng với mọi người nhổ cỏ, cắt tỉa cây xanh, lau chùi bia mộ để nghĩa trang được sạch đẹp, khang trang và ấm cúng.

Đến năm 2009, ông Cẩn trở thành biên chế chính thức của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện với vai trò quản trang để cùng chăm sóc, giữ gìn và kiến tạo lại nghĩa trang. Ngày nào cũng vậy, từ lúc sáng sớm, ông Cẩn đã mải miết quét dọn, vệ sinh các phần mộ liệt sĩ. Ngoài ra, ông còn chăm sóc cỏ và các cây kiểng được trồng tại nghĩa trang. Nhờ vậy, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện luôn được sạch sẽ. Dẫu công việc cả ngày làm không xuể, nhưng được làm công việc này là điều may mắn, rất thiêng liêng đối với ông Cẩn.

Ngày nào cũng vậy, từ lúc sáng sớm, ông Cẩn đã mải miết quét dọn, vệ sinh các phần mộ liệt sĩ.

Với tinh thần trách nhiệm, trong suốt những năm tháng coi sóc Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, ông Cẩn đã tích cực làm việc, nào là làm cỏ, quét dọn từng mộ phần cho sạch sẽ. Cứ thế, ngày qua ngày ông vẫn cặm cụi với công việc của mình. Ông Cẩn bộc bạch: “Những liệt sĩ nằm đây, ngày xưa họ đã không tiếc hy sinh xương máu cho ngày đất nước thống nhất. Nay được sống trong thời bình, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm chăm lo mộ phần của họ, đây là chuyện nên làm và phải làm cho tốt”.

Được biết, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Bến Lức có 1.756 mộ, trong đó, có 667 mộ vô danh. Những phần mộ vô danh ấy là nỗi trăn trở của ông Cẩn, chính vì thế ông luôn tự nhủ phải cố gắng hết mình để hỗ trợ thân nhân các phần mộ vô danh tìm ra danh tính, để các ngôi mộ ấy cũng được ghi tên như bao ngôi mộ khác. 

Hơn18 năm gắn bó tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Lức, ông Lê Thanh Cẩn nhớ từng tên và vị trí các ngôi mộ.

Ông Lê Thanh Cẩn chia sẻ: “Suốt hơn 18 năm qua, chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề. Với tôi, đây là nghề mà tôi chọn bằng cả lòng tôn kính để tri ân, báo đáp công lao những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Làm công việc này chính là tôi đang ngày ngày được sống cùng họ, được nâng giấc cho họ yên nghỉ. Vui lắm chứ, tự hào lắm chứ. Tôi sẽ còn làm đến khi sức khỏe không cho phép nữa thì thôi”.

Gắn bó với công việc chăm lo “giấc ngủ” cho người đã khuất hơn 18 năm, ông Cẩn không nhớ rõ bao nhiêu lần khóe mắt ông cay cay khi chứng kiến những cuộc đoàn tụ của thân nhân và liệt sĩ. Đặc biệt, ông coi căn phòng ở nghĩa trang như căn nhà thứ hai của mình. Những lúc về nhà chỉ mới có một ngày mà ông đã thấy nhớ…

Ông Lê Thanh Cẩn chia sẻ: “Suốt hơn 18 năm qua, với tôi, đây là nghề mà tôi chọn bằng cả lòng tôn kính để tri ân, báo đáp công lao những liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Anh Nguyễn Minh Khoa, Bí thư Đoàn thanh niên xã An Thạnh cho biết:“Vào những dịp lễ kỷ niệm, thanh niên chúng tôi thường đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện để thực hiện những công trình, phần việc tri ân đối với những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do để thế hệ hôm nay được hưởng trái ngọt. Khi đến đây và nhìn thấy chú Cẩn cùng mọi người luôn cẩn thận, tỉ mĩ chăm sóc từng ngôi mộ, từng gốc cây, ngọn cỏ trong Nghĩa trang khiến chúng tôi không khỏi xúc động, ấm áp và hứa sẽ quyết tâm thực hiện thêm nhiều công trình, phần việc để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, góp một phần sức nhỏ để xây dựng quê hương.”

Chia tay ông Lê Thanh Cẩn ra về, hình ảnh người đàn ông trung niên ngày ngày âm thầm, lặng lẽ bên những phần mộ cứ ấn tượng mãi. Công việc thầm lặng mà nghĩa tình ấy của ông có ý nghĩa rất lớn, đó là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”./.

Việt Hằng – Lê Hạnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu