Tất cả chuyên mục

Ai bảo học Lịch sử khô khan, nhàm chán, thiếu hứng thú ? Nếu được học thầy Nguyễn Văn Luân, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức thì câu trả lời hoàn toàn khác. Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, thầy Luân luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy để truyền cảm hứng môn Sử vào học trò, dẫn dắt các em khám phá bề dày lịch sử dân tộc và thế giới.
Thầy Nguyễn Văn Luân – Người truyền cảm hứng vào môn Sử
Tốt nghiệp khoa Lịch Sử trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp năm 2008, thầy Nguyễn Văn Luân về nhận công tác tại trường THPT Nguyễn Hữu Thọ. Với niềm đam mê và cái tâm của nhà giáo, thầy Luân luôn tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy để “truyền lửa” kiến thức môn học cho học sinh. Trong giờ học, thầy luôn tạo tâm lý thoải mái, kể nhiều câu chuyện về lịch sử, sự kiện ở trong và ngoài nước, đặc biệt là thành tựu ở các nước phát triển để học sinh liên hệ và vận dụng vào bài học, vì thế đã giúp các em học thuộc bài ngay tại lớp mà không cần phải học thêm ở nhà nhiều. Cách dạy của thầy đã giúp học sinh bao quát các vấn đề về lịch sử cũng như sự vận dụng vào thực tiễn cuộc sống hiện tại sau mỗi bài học sử. Vì thế, hầu hết học sinh đều hào hứng khi được học môn Sử thầy Luân dạy.
Em Nguyễn Thị Thúy Hằng, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức chia sẻ: “Sử là môn học khó, chương trình nặng, nhưng nếu biết cách học theo hướng dẫn của Thầy Luân thì không khó. Thầy không bắt buộc học thuộc lòng mà thiên về tư duy, suy luận đến các vấn đề trong thực tiễn nên giúp học sinh tiếp thu nhanh và làm bài dễ hơn. Học Sử ở thầy Luân không bị gò bó hay áp lực mà ngược lại rất thoải mái, hứng thú vì thầy thường xuyên kể những mẩu chuyện hay, thực tế..”
Theo thầy Luân, trước hết giáo viên phải giúp học sinh nhận biết được chìa khóa trong mỗi phần kiến thức để các em thông hiểu được. Từ đó, tạo tiền đề giúp học sinh tự nghiên cứu để rút ra điều cần nhớ trong suốt quá trình học. Nhằm tạo hứng thú, say mê môn Sử, tùy vào từng tiết học nên sử dụng phương pháp tích hợp liên môn, đặc biệt là kỹ năng sống. Mặt khác, trong mỗi bài học phải giúp học sinh gắn kết quá khứ với hiện tại, liên hệ vấn đề, sự kiện trong bài học với thực tiễn cuộc sống. Đó cũng là cách để giáo dục học trò hoàn thiện nhân cách, sống có ích cho xã hội.
Các học sinh đều rất hào hứng trong các tiết dạy Sử của thầy Luân
Để tiết học thêm sôi động, giảm áp lực, ngoài kể những câu chuyện có thật, thầy còn sử dụng máy chiếu giúp học sinh dõi theo những hình ảnh minh họa sinh động về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, thành tựu về kinh tế, khoa học – kỹ thuật để các em khám phá những điều chưa biết. Đồng thời, đặt những câu hỏi gợi mở, kích thích sự động não, tư duy của học sinh. Bên cạnh đó, những năm gần đây, trong các đề thi của Bộ Giáo dục – Đào tạo đều ra theo hướng mở với 3 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Vì thế, để đạt điểm cao trong các kỳ thi, ngoài nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh phải cập nhật thêm những vấn đề, sự kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống để áp dụng vào bài làm – Thầy Luân cho biết thêm.
Thầy Nguyễn Văn Luân, tâm sự: “Trong các môn học xã hội thì có lẽ lịch sử là môn Sử khiến học sinh khó nhớ, khó thuộc nhất. Hơn nữa, đây không phải là bộ môn được nhiều phụ huynh học sinh quan tâm hướng con em theo học do sự lựa chọn khối thi không nhiều và cơ hội tìm việc làm liên quan đến môn học này còn hạn chế. Để tạo niềm yêu thích cho các em học sinh, trước hết mỗi thầy, cô giáo phải truyền đam mê cho học trò, bằng chính năng lực chuyên môn của mình. Trong mỗi tiết học, tôi cố gắng đơn giản hóa các khái niệm, đồng thời, giúp các em tự ghi nhớ và liên hệ so sánh, đánh giá tiếp cận các sự việc một cách dễ dàng, không khô cứng. Đặc biệt, muốn có bài giảng tốt, trước mỗi giờ lên lớp, tôi luôn chuẩn bị giáo án cẩn thận, có phương pháp dạy phù hợp cho mỗi học sinh, cùng các em tham gia tiết học, hạn chế việc đọc – chép”.
Thầy Nguyễn Văn Luân luôn khơi gợi hứng thú đối với học sinh trong tiết học môn Lịch Sử
Bà Đặng Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức cho biết: “Với những cố gắng truyền cảm hứng, đam mê học Sử, thầy Luân được các thế hệ học trò quý mến, phụ huynh tin yêu, gửi gắm. Hằng năm, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, môn Sử do thầy đảm trách đều có giải; tỷ lệ đậu điểm cao đại học khối C hằng năm cũng được nâng lên. Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, thầy Nguyễn Văn Luân đã đạt giải 3 cấp tỉnh về đổi mới phương pháp dạy học; giải 2 cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy học cấp tỉnh; 8 năm liền vinh dự đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được nhận bằng khen, giấy khen các cấp”.
Với sự nỗ lực không ngừng để đem kiến thức, hiểu biết, say mê về lịch sử của mình truyền đạt cho học sinh đã góp phần làm thay đổi nhận thức của học sinh về môn học, giúp các em hiểu biết được lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ đó phát huy tinh thần yêu nước, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”./.
Việt Hằng
Ý kiến ()