4
1
/
48
Bến Lức - Những ngày Tháng Tư
longform
Bến Lức - Những ngày Tháng Tư

Bến Lức - Những ngày Tháng Tư

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng cứ mỗi độ Tháng Tư về, triệu triệu con tim người dân Việt Nam nói chung và những người con quê hương Bến Lức nói riêng lại trào dâng xúc cảm đặc biệt về những ký ức, trang sử hào hùng và bi tráng của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Để từ đó đến nay, gần nửa thế kỷ đi qua, ngày 30/4/1975 vẫn mãi khắc sâu trong tâm khảm biết bao thế hệ người dân, ngày mà cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui giải phóng, giang sơn thu về một mối.

Ảnh toàn cảnh

Những chi tiết về thời khắc lịch sử hào hùng của quê hương Bến Lức được ghi chép trong quyển “Lịch sử Lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Bến Lức (1945-2010) 

Văn bản với chữ cái đầu

Ngược dòng thời gian về thời điểm ngày 26/4/1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với kế hoạch quân ta từ 5 hướng tiến công vào Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân ngụy. Ở hướng tây và nam không gian chiến dịch bao trùm cả tỉnh Long An; hướng tiến công của binh đoàn 232 từ Đức Hòa - bắc Bến Lức đánh vào Sài Gòn, Sư đoàn 5 sẽ cắt lộ 4 và đánh chiếm Tân An; hướng nam lầy lội và trống trải do lực lượng Quân khu 8 trong đó có 2 tiểu đoàn Long An đảm nhiệm. Lúc này Bến Lức nằm giữa hai hướng tiến công của chiến dịch, có 3 nhiệm vụ là: một là phục vụ chiến đấu cho cả hai hướng chiến dịch; hai là cùng với lực lượng của trên cắt đứt lộ 4 đoạn Bến Lức - Thủ Thừa; ba là phát động quần chúng, tổ chức lực lượng thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”.

Ảnh căn phải

Theo lời kể của Nguyên Bí thư Tỉnh ủy – Phạm Thanh Phong và Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bến Lức (1945-2010) có ghi lại, để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, cấp trên đã điều Trung đoàn 16 anh hùng về tăng cường cho Bến Lức. Mặt trận giải phóng Bến Lức cũng được thành lập gồm: đồng chí Ba Nghĩa – Trung đoàn trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Thanh Phong - Bí thư Huyện ủy làm Chính trị viên; đồng chí Mai Thành Lập làm Phó Chính trị viên. Ngày 26/4/1975 mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với các binh đoàn của quân giải phóng áp sát trên cả 5 hướng đồng loạt tiến công vào Sài Gòn, Trung đoàn 16 và bộ đội huyện Bến Lức cũng tấn công vào cứ điểm kinh Xáng Lương Hòa khiến địch tháo chạy và gây cho chúng nhiều thiệt hại. 

Ngày 29/4/1975, ở phía nam Bến Lức,tiểu đoàn K45 từ Long Định (Cần Đước) đánh chiếm căn cứ hải quân của Ngụy và chiếm giữ cầu Bến Lức. Ta dùng cối 82 pháo kích vào căn cứ 308 làm tan rã đội hình tàn quân Sư đoàn 22 ngụy. Ở phía bắc, bộ đội địa phương huyện cùng du kích xã An Thạnh và biệt động thị trấn Bến Lức vượt cầu An Thạnh và sông Bến Lức đánh chiếm chi khu Bến Lức, chi cảnh sát, dinh quận trưởng và căn cứ 308 ở Tấn Long; bắn hạ một máy bay trực thăng của địch. Quân dân Bến Lức, Thủ Thừa cũng phối hợp đánh và làm tan rã Sư đoàn 22 ngụy đóng ở lộ 4. Ở Mỹ Yên, du kích diệt một số tên ác ôn ngoan cố còn chống cự. Bộ đội bắn hạ một máy bay trực thăng trên đường trốn chạy. 

Ảnh căn trái

Ông Nguyễn Hoàng Dũng – Cựu chiến binh xã Long Hiệp (bìa phải) cùng các cựu chiến binh có dịp gặp gỡ và ôn lại những ký ức ngày 30/4 lịch sử.

Nhân dân trong huyện Bến Lức phấn khởi đón chào cán bộ, chiến sĩ ta vào giải phóng, cờ mặt trận giải phóng tung bay phất phới. Ta cũng tổ chức lực lượng tiếp quản, phân công cán bộ, chiến sĩ lãnh đạo lực lượng mới. Ông Nguyễn Hoàng Dũng – Cựu chiến binh xã Long Hiệp nhớ lại: “Lúc đó cao trào quần chúng giúp đỡ cách mạng được đẩy lên rất cao, phát động tới đâu là họ làm đến đó. Người dân trong xã thu gom vũ khí, quân trang của giặc rải rác khắp nơi, trong các đồn bốt giao nộp cho cách mạng. Các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng chính quyền…hễ cứ vận động là người dân đều hăng hái thực hiện.”

Ảnh toàn cảnh

Những ngày tháng 4 này, khắp các tuyến đường, góc phố huyện Bến Lức đều rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu, khí thế mừng kỷ niệm ngày thống nhất non sông

Bến Lức được giải phóng, miền Nam cũng hoàn toàn được giải phóng, Bắc – Nam sum họp một nhà. Dù là người chỉ huy, trực tiếp chiến đấu hay người tiếp quản chính quyền sau khi huyện được giải phóng và toàn thể nhân dân huyện nhà lúc bấy giờ, bất kể là ai cũng không thể nào quên được cảm xúc của ngày đất nước được thống nhất. 

48 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bến Lức luôn phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Bến Lức hôm nay “vươn mình” đạt được những thành tựu đáng tự hào, là một trong những huyện đầu tàu, động lực kinh tế của tỉnh. Cho đến nay, huyện đã 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng và đặc biệt trong năm 2022 huyện vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng 3. 

Ảnh toàn cảnh

Thương binh ¾ Nguyễn Văn Thi – xã Mỹ Yên (bìa trái) vui mừng khi thấy quê hương ngày càng “thay da đổi thịt” sau 48 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Thương binh ¾ Nguyễn Văn Thi – xã Mỹ Yên nói: Mỗi năm cứ đến tháng 4 lịch sử thì ký ức về những năm tháng đau thương của đồng bào lại ùa về, bên cạnh đó cũng có niềm vui khôn xiết của ngày đất nước được thống nhất. Những người may mắn còn sống như chúng tôi được nhìn thấy đất nước thống nhất, quê hương ngày càng phát triển tươi đẹp hơn, văn minh, hiện đại hơn là điều hết sức vui mừng và tự hào. Sau ngày giải phóng, riêng bản thân tôi đã từng đóng góp sức lực, tâm huyết xây dựng quê hương Mỹ Yên ngày càng phát triển đi lên. Cuộc đời tôi cũng đã chứng kiến từng giai đoạn phát triển của xã nhà, huyện nhà vượt qua những khó khăn, thử thách để rồi đạt được những thành tựu sau 30 năm đổi mới, từng thời điểm xã nhà, huyện nhà vinh dự nhận thưởng các Huân chương, danh hiệu Anh hùng. Với tôi đó thật sự là niềm hạnh phúc lớn lao và cũng tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự điều hành của UBND huyện cùng sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và nhân dân, quê hương Bến Lức sẽ phát triển vươn xa hơn nữa.  

Ảnh toàn cảnh

Bến Lức ngày nay là điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư và khách du lịch, trong đó có những "Địa chỉ đỏ" gắn liền với ký ức về thời khắc Tháng Tư lịch sử

Văn bản với chữ cái đầu

Với khí thế mừng kỷ niệm ngày thống nhất non sông, tự hào về truyền thống cách mạng và thành quả đạt được trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà tiếp tục phấn đấu với quyết tâm cao, khát vọng vươn lên tầm cao mới, để đến năm 2030 đưa huyện Bến Lức trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là nơi đáng sống, điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư.

Thực hiện: Kim Phượng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu