Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 06/02/2025 03:02 (GMT +7)
Bến Lức: Quản lý hiệu quả dịch bệnh trên cây chanh
Thứ 5, 26/04/2018 | 16:39:00 [GMT +7] A A
Bến Lức là huyện có diện tích trồng chanh nhiều nhất tỉnh Long An với 4.718ha. Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, người trồng chanh lo lắng về các loại dịch bệnh đang phát sinh trên cây chanh như: Sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bệnh ghẻ, xì mủ thân, vàng lá thối rễ và đặc biệt là bệnh nấm hồng cũng thường xuyên xuất hiện và gây hại khá phổ biến. Nếu không có biện pháp phòng bệnh kịp thời sẽ gây thất thu và giảm sản lượng.
Nông dân cần quản lý hiệu quả dịch bệnh trên cây chanh
Hộ ông Nguyễn Hoàng Mai, ấp 4 xã Tân Hòa trồng 1,2 ha chanh không hạt, hiện nay 650 gốc chanh của gia đình có dấu hiệu nhiễm các loại dịch bệnh, trong đó bệnh nấm hồng chiếm tỷ lệ 6,36%, dẫn tới sản lượng chanh bị giảm. Sau khi tham gia thực hiện mô hình quản lý dịch bệnh, tỷ lệ chanh nhiễm bệnh nấm hồng của gia đình ông Mai giảm chỉ còn 3,27%.
Theo Trạm Trồng trọt – Bảo vệ thực vật huyện Bến Lức: Hiện tại, nấm hồng là bệnh đáng lo ngại nhất trên cây chanh. Đến nay, diện tích nhiễm bệnh gần 800ha, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 5-10% từ cấp 1 đến cấp 3; nguyên nhân do thời tiết phức tạp. Trước tình hình trên, trạm đã triển khai các mô hình quản lý bệnh, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho nông dân trồng chanh ở các xã Lương Hòa, Lương Bình, Thạnh Hòa, Thạnh Lợi. Trạm khuyến cáo người dân phun thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; chăm sóc xử lý chanh ra hoa trong thời gian nghịch mùa phải phun thuốc đúng liều lượng, tránh lượng thuốc tồn dư trong đất gây ảnh hưởng.
Đặc biệt, nông dân cần thường xuyên vệ sinh vườn cây, trừ cỏ dại và cắt tỉa cành chết, cành vô hiệu để tạo sự thông thoáng trong vườn. Ngoài ra phải kiểm tra vườn cây thường xuyên, nhất là các tháng trong mùa mưa và các tháng cao điểm của bệnh để phát hiện sớm và phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời./.
Việt Hằng
Ý kiến ()