Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 05:03 (GMT +7)
Bến Lức vay vốn trồng màu, vươn lên khá giàu
Thứ 5, 13/07/2023 | 22:14:24 [GMT +7] A A
Thời gian qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bến Lức được triển khai hiệu quả nên đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, chị Huỳnh Ngọc Lan Thanh, ở ấp Phước Toàn, xã Long Hiệp sử dụng nguồn vốn vay để thực hiện mô hình trồng rau màu và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2021, do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên kinh tế gia đình chị Lan Thanh gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chính dựa vào nghề trồng rau màu, nhưng vì dịch nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được trong thời gian dài. Sau khi dịch bệnh dần ổn định, gia đình bắt tay vào cải tạo lại đất để sản xuất. Tuy nhiên, để làm được đều đó cần phải có nguồn vốn đầu tư và sau khi nhận được sự tư vấn hỗ trợ của chị em phụ nữ địa phương, chị Lan Thanh đã quyết định đăng ký vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách do Hội Liên hiệp phụ nữ xã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Với 5 công đất, gia đình chị Lan Thanh trồng 03 vụ rau màu/năm, gồm: Bí đao, mướp. Ngoài ra, chị còn tận dụng bờ bao quanh ruộng nhà để mở rộng diện tích sản xuất và trồng thêm đậu bắp. Với giá bán ổn định, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi vụ rau gia đình chị Thanh lãi từ 30-35 triệu đồng, kinh tế dần ổn định.
Chị Huỳnh Ngọc Lan Thanh, ấp Phước Toàn, xã Long Hiệp cho biết: “Trồng màu tuy có cực vì tốn nhiều công chăm sóc, tưới nước nhưng bù lại thu nhập ổn định. Để bán được giá cũng như có được vụ màu thành công thì mình phải biết nắm bắt nhu cầu của thị trường, thường thì trồng các loại rau trái vụ sẽ cho thu nhập cao hơn, nhưng vì là trái vụ nên phải bỏ công chăm sóc nhiều hơn… ”.
Xác định nguồn vốn giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, do đó thời gian qua, Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đã triển khai kịp thời các chính sách, chuyển tải nguồn vốn đến với đối tượng thụ hưởng. Qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có điều kiện tiếp cận để phát triển kinh tế, ổn định đời sống với đa dạng mô hình kinh tế như kinh doanh buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi,... Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bến Lức đã giải ngân gần 74 tỷ đồng cho 1.982 lượt hộ vay, nâng tổng số dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện lên hơn 368,3 tỷ đồng, với 9.578 khách hàng còn dư nợ, hoàn thành hơn 95% kế hoạch năm. Đây là nguồn vốn đáng kể để nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, cho biết: “Để nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chủ động trong công tác điều hành, quản lý, phân bổ vốn. Việc triển khai cho vay vốn thực hiện theo phương châm đúng quy định, đúng quy trình nghiệp vụ, đúng đối tượng thụ hưởng. Sau khi giải ngân vốn, đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ tiết kiệm và vay vốn, thường xuyên giám sát các thành viên để bảo đảm nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Bên cạnh đó Phòng giao dịch NHCSXH huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi nợ đến hạn, đẩy nhanh quay vòng vốn để tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm. Qua kiểm tra cho thấy các hộ được vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi đúng hạn, phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương”.
Từ sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời của nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng chính sách xã hội, hiện nay trên địa bàn huyện Bến Lức đã nhân rộng nhiều điển hình làm kinh tế giỏi, nhiều tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu trong phát triển sản xuất../.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()