Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 15/11/2024 11:53 (GMT +7)
Bệnh nhân ung thư tăng cao do ‘thủ phạm’ rượu, bia
Thứ 5, 20/04/2017 | 15:25:00 [GMT +7] A A
Việt Nam có tỷ lệ tiêu thụ rượu, bia lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á. Trong khi đó, rượu, bia liên quan đến hơn 30 mặt bệnh, gây hàng loạt bệnh ung thư như: Khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng…
Quá tại bệnh nhân ung thư tại các cơ sở y tế. Ảnh: Thanh Hương.
“Tổ chức Y tế khuyến cáo, từ năm 2010, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 200.000 bệnh nhân ung thư và khoảng 100.000 bệnh nhân tử vong mỗi năm vì bệnh này”, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tại Hội thảo về phòng chống tác hại của rượu, bia và ung thư, tổ chức sáng 19/4, tại Hà Nội.
Theo TS Trương Đình Bắc, có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư như: khói thuốc lá, ít vận động thể lực, chế độ ăn uống không hợp lý, ô nhiễm môi trường… và đặc biệt là uống rượu, bia.
PGS.TS Trần Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu ung thư, Bệnh viện K, cũng cho biết, tổng hợp các bằng chứng về mối tương quan giữa sử dụng rượu và nguy cơ mắc bệnh đã chỉ ra có 7 loại ung thư liên quan đến rượu gồm: Ung thư khoang miệng, ung thư hạ họng – thanh quản , vòm họng, thực quản, gan, vú, đại trực tràng. Chi phí điều trị 6 bệnh ung thư phổ biến lên tới 25.789 tỷ đồng mỗi năm.
“Khi rượu vào cơ thể chuyển hóa thành acetaldehyde, một chất gây ung thư. Việc uống rượu sẽ làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương gen ở các tế bào niêm mạc miệng, họng, thực quản và đường hô hấp trên. Rượu còn làm tăng khả năng hấp thu các chất gây ung thư, kích thích cơ thể sinh ra các phân tử hoạt tính cao, gây tổn thương gen tế bào dẫn đến ung thư…”, PGS.TS Trần Thanh Hương, khuyến cáo.
Bệnh nhân ung thư tại Việt Nam có xu hướng ngày một gia tăng kèm theo các gánh nặng vế kinh tế đối với các hộ gia đình. Do đó, các chuyên gia y tế rất lo ngại về gánh nặng của căn bệnh này trong tương lai khi Việt Nam chưa kiểm soát triệt để nguồn gốc, chất lượng và tác hại của rượu bia. Khác với nhiều quốc gia, rượu ở Việt Nam được bán tràn lan, rượu rất rẻ, ngay trẻ em cũng dễ dàng mua rượu ở các quán nước trong cộng đồng; việc sản xuất rượu còn nhỏ lẻ, manh mún…
Nghiên cứu mới nhất của ngành y tế cho thấy, khoảng 77,3% nam giới và 11% nữ giới đang sử dụng rượu bia (uống rượu bia trong vòng 30 ngày qua). Đặc biệt, có 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới uống ở mức nguy hại.
Lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam rất cao, cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á (sau Nhật Bản, Trung Quốc). Ước tính, Việt Nam tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu và trên 3 tỷ lít bia mỗi năm.
“Dù đã có nhiều tiến bộ hơn trong chẩn đoán, điều trị ung thư nhưng theo thống kê, 70% các trường hợp chẩn đoán ung thư chết ngay trong năm đầu tiên chủ yếu do phát hiện bệnh muộn. Do đó, người dân cần hạn chế uống rượu, bia để giảm các gánh nặng bệnh tật cho bản thân và gánh nặng chi phí cho gia đình và xã hội”, TS Trương Đình Bắc nhấn mạnh.
Ý kiến ()