Theo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, thành phố xác định đào tạo nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá. Vì vậy, cần sớm khảo sát để đánh giá về năng lực cán bộ qua đào tạo của chương trình, không thể bằng lòng với các con số đưa ra, mà cần hiệu quả thực chất từ sản phẩm đào tạo, các công trình, nghiên cứu hoặc những thành quả mà cán bộ làm được.
Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh, không phải bằng cấp cao là nguồn nhân lực chất lượng cao, mà cần đưa ra chương trình đào tạo tích cực, tìm kiếm đối tượng đào tạo cần đầu tư đúng, có sự kết nối nơi tiếp nhận để trẻ hóa đội ngũ cán bộ và các cơ chế mở để thu hút nhân tài về thành phố.
Theo ông Lê Tấn Tài, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Quận 5, chương trình tạo nguồn cán bộ trẻ là cơ hội phát triển của cán bộ trẻ, vì vậy, cần phải có sự phấn đấu từ bản thân người cán bộ, không phải chờ đợi các chính sách của thành phố.
Ông Lê Tấn Tài nhấn mạnh, để thực hiện tốt chương trình này thì đòi hỏi cán bộ trẻ phải tự rèn luyện qua thực tiễn, đồng thời nâng cao trình độ học tập, năng lực công tác, phẩm chất chính trị. Cán bộ trẻ cần xem việc được giao nhiệm vụ cụ thể của từng lĩnh vực được phân công là một trong những kỹ năng thực tiễn cho công việc của mình; xem những trăn trở của nhân dân trăn trở cũng chính là nhiệm vụ của cán bộ trẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.000 cán bộ có độ tuổi dưới 35 đang công tác tại các lĩnh vực, trong đó có hơn 560 cán bộ nữ, hơn 890 người là đảng viên; số cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sỹ chiếm 38,36%…
Chương trình đã đưa đi đào tạo hơn 580 học viên, trong đó tiến sỹ là 4,81%, còn lại là thạc sỹ. Việc lựa chọn ngành đào tạo căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố, chú trọng lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, đô thị, thương mại và các ngành khoa học – công nghệ mũi nhọn…/.
Ý kiến ()