Tất cả chuyên mục
![](https://media.la34.com.vn/upload/files/logo/Logo_LA34.svg.png)
Sáng nay, ngày 9.11, tại hội trường thống nhất, Bí thư tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh đối thoại với nhân dân về chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng tham dự hội nghị có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Cảnh.
Đại biểu dự buổi Bí thư tỉnh ủy đối thoại với nhân dân về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Bên cạnh việc khẳng định hiệu quả kinh tế rõ rệt của các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại, tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân cũng đã bày tỏ quan điểm, chia sẻ những khó khăn trở ngại trong quá trình sản xuất theo hướng công nghệ cao, nhất là khó khăn trong thế chấp ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; tình trạng thiếu điện ở các trạm bơm phục vụ sản xuất lúa vùng Đồng Tháp Mười cùng các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh tế hợp tác còn hạn chế, chưa liên tục….
Đại diện người dân phát biểu tại buổi đối thọai
Theo đó, doanh nghiệp, nhà nông và đại diện các hợp tác xã kiến nghị tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ tình trạng “được mùa mất giá”; cần cung cấp thông tin thị trường và định hướng sản xuất cho nông dân; quan tâm kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, cây, con giống. Đồng thời, tỉnh cũng cần đầu tư hệ thống kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm tại địa phương, để phục vụ nông sản xuất khẩu. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã và nhà nông về thị trường tiêu thụ…. được lãnh đạo các Sở, ngành tiếp thu và thẳng thắn trao đổi, trả lời tại buổi đối thoại.
Bí thư tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh phát biểu chỉ đạo
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, Bí thư tỉnh ủy Long An Phạm Văn Rạnh đề nghị: tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các mô hình hợp tác xã điểm ứng dụng công nghệ cao, để làm hạt nhân tuyên truyền vận động người dân vào hợp tác xã. Theo đó, ông yêu cầu phải kiên quyết giải thể các hợp tác xã ngưng hoạt động kéo dài, kể cả hợp tác xã trên địa bàn xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất. Quan tâm hỗ trợ cơ chế chính sách chương trình ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm,….
Sau 3 năm thực hiện, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An đạt nhiều kết quả khả quan, nhất là sự hưởng ứng, đồng thuận tham gia của người dân, bước đầu triển khai thực hiện sản xuất ứng dụng quy trình, công nghệ tiên tiến, hình thành và phát triển một số mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác điểm trên 3 cây 1 con. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 5.400 hecta lúa ứng dụng công nghệ cao, chiếm 27% kế hoạch; cây rau là gần 800 hecta, đạt gần 40% kế hoạch; cây thanh long khoảng 850 hecta, đạt 42% kế hoạch; đồng thời ,xây dựng được 3 mô hình điểm, quy mô khoảng 730 con bò thịt sản xuất ứng dụng công nghệ giống.
Duy Huệ – Xuân Quốc
Ý kiến ()