Sẽ có 299 đại biểu là những thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công tiêu biểu sẽ đại diện cho hàng triệu người có công trên cả nước tham dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2016 tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 23/7 tới.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo thông tin về các hoạt động đền ơn đáp nghĩ nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2016 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 18/7 tại Hà Nội.
Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công (chiếm gần 10% dân số), trong đó có gần 1,2 triệu liệt sỹ, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng, hơn 4 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, trên 117.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, gần 800.000 thương binh, hơn 185.000 bệnh binh, trên 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học… Hiện nay, hơn 1,47 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Hội nghị người có công tiêu biểu toàn quốc được tổ chức hàng năm để biểu dương tấm gương những người có công với đất nước. Năm nay, hội nghị được tổ chức vào tháng Bảy và là một trong chuỗi hoạt động đền ơn đáp nghĩa kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ.
Đa số đại biểu về dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc 2016 đều là những tấm gương trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Nhiều thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công tiêu biểu vượt khó vươn lên với nghị lực phi thường, bằng sức lực và trí tuệ của mình đã phấn đấu ổn định đời sống, làm giàu cho quê hương, đất nước, tham gia các hoạt động có ích cho xã hội.
Một trong những câu chuyện xúc động về tấm gương thương binh vượt khó khăn, vươn lên thành công trong cuộc sống là câu chuyện về anh Bùi Ngọc Lượng (quê ở xóm Gành Gà, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), thương binh 3/4.
Anh Lượng bị thương mất một chân trong khi chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Sau khi rời quân ngũ về quê hương, để mưu sinh anh Lượng đã đi làm thuê cho các tàu cá xa bờ. Sau nhiều năm tích luỹ, năm 1990, anh Lượng mua một chiếc ghe hai máy ra khơi đánh bắt hải sản tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2004, gia đình anh Lượng tiếp tục đầu tư đóng mới tàu các công suất lớn trị giá gần 1 tỷ đồng, tiếp tục vươn khơi bám biển dài ngày, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Ý kiến ()