Thứ Hai, 20/01/2025 15:33 (GMT +7)

Bình Thuận: Gần 500 ha thanh long bị thiệt hại do lũ

Thứ 4, 25/10/2017 | 15:32:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Đợt lũ trong hai ngày 22 và 23/10 gây thiệt hại nặng cho vùng trồng thanh long của Bình Thuận, gần 500 ha thanh long bị ngập úng.

Tại Bình Thuận, do mưa lớn trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam kết hợp với mưa ở thượng nguồn và điều tiết qua tràn hồ chứa Sông Móng và đập Ba Bàu, đã gây lũ trên hệ thống sông Mường Mán.

Đợt lũ trong hai ngày 22 và 23/10 gây thiệt hại nặng cho vùng trồng thanh long của tỉnh này.

binh thuan gan 500 hecta thanh long bi thiet hai do lu hinh 1
Một vườn thanh long bị ngập sâu trong nước ở xã Hàm Mỹ.

Theo báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, các xã của huyện Hàm Thuận Nam bị ảnh hưởng gồm: Mỹ Thạnh, Hàm Cần, Hàm Thạnh, Mương Mán và Hàm Mỹ. Nước lũ bất ngờ đổ về gây ngập 49 căn nhà từ 1 – 1,5m, một căn nhà tạm bị cuốn trôi hoàn toàn.

binh thuan gan 500 hecta thanh long bi thiet hai do lu hinh 2
Khoảng 7.000 bóng đèn compact trong các vườn thanh long bị cuốn trôi.

Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng với gần 500 ha thanh long bị ngập úng. Nhiều vườn thanh long đang ra hoa và ra trái đều mất trắng.

Ngoài ra, lũ cuốn trôi khoảng 7.000 bóng đèn compact dùng để chong đèn thanh long, 200 con gà và vịt, làm chết 2 con bò. Một số diện tích lúa và hoa màu khác cũng bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại ban đầu ước hơn 15 tỷ đồng.

binh thuan gan 500 hecta thanh long bi thiet hai do lu hinh 3
Thanh long ra trái sắp thu hoạch bị ngập úng gần như thiệt hại hoàn toàn.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các xã bị ảnh hưởng đã cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế tình hình, thống kê báo cáo thiệt hại ban đầu. Dự kiến, sau khi nước rút, đoàn kiểm tra của huyện cũng sẽ phối hợp với các xã xác minh, đánh giá, thống kê thiệt hại cụ thể hơn và lập báo cáo chính thức tham mưu cho huyện phương án khắc phục và hỗ trợ thiệt hại.

Hiện nay, các xã bị ngập lũ đang huy động lực lượng cùng với người dân tập trung khơi thông các hệ thống kênh tiêu thoát lũ; nước rút tới đâu tổ chức chăm sóc, bón phân, khử trùng đồng ruộng đến đó, không để dịch bệnh xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân./.

Việt Quốc/VOV – TP.HCM

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu