Cùng với việc bổ nhiệm “đúng quy trình” đối với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương) làm Phó Giám đốc Tổng công ty cổ phần rượu bia, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh câu hỏi quy trình ở đây là quy trình nào, địa chỉ trách nhiệm việc ra quyết định bổ nhiệm đúng quy trình ra sao, câu chuyện “con ông cháu cha” trong công tác cán bộ lại thêm một lần được nói đến.
Về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Có nhóm lợi ích, bè phái trong công tác cán bộ
PV: Không biết từ lúc nào, khi một ai đó được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo hoặc đơn giản chỉ cần được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, câu đầu tiên người ta thường hỏi nhau: “Đồng chí này là con đồng chí nào?”. Ông bình luận gì về câu hỏi ấy của dư luận?
Ông Vũ Mão: Câu hỏi này không phải là quá mới mà đã khá lâu rồi cũng có lúc người ta đặt ra. Nhưng từ 10-15 năm trở lại đây, câu hỏi này được dư luận quan tâm nhiều hơn và nhiều vấn đề đặt ra về một hiện tượng không bình thường, dư luận xã hội không đồng tình.
Thực ra, đây cũng thuộc vào nhóm lợi ích, phản ánh đạo đức, tư cách của những người lãnh đạo các cấp, họ có quyền, có chức nhưng đã bị tha hóa, biến chất. Họ đã không giữ được sự vô tư, trong sáng của người cán bộ cách mạng, của người đảng viên mà họ dùng chức quyền của mình, lợi dụng vào đó để mưu cầu lợi ích, cho con cái của họ.
Điều này cũng nằm trong nhận định, phê phán chung của Đảng ở Hội nghị Trung ương 4, khóa XI nói tới sự tha hóa, biến chất, suy đồi đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao ở Trung ương.
PV: Sẽ không có gì đáng nói nếu như bước đường thăng tiến của các trường hợp này đừng quá nhanh, thậm chí, chỉ trong một vài tháng và khi bị phát hiện thì luôn được giải thích là làm đúng quy định, đúng quy trình, đúng quy hoạch, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Công tác bồi dưỡng, đào tạo, cất nhắc cán bộ trẻ là xu hướng tất yếu của cách mạng của Đảng ta và thực tế các nước trên thế giới họ cũng quan tâm điều này. Từ lâu, chúng ta cũng đã quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ nhưng phải có trình tự, thủ tục. Khi nói đến việc này, người ta thường nói chúng tôi làm đúng quy trình, thủ tục. Nhưng thực ra ở đây có vấn đề là người được đề bạt thiếu một cái cơ bản là thiếu thực tiễn, thiếu sự từng trải.
Nếu như một người vừa tốt nghiệp ra trường, ở độ tuổi 23-25 nhưng được đề bạt ở những vị trí cao, như vậy là nhanh quá. Trước tiên, người đó phải về thực tiễn, trưởng thành từ cơ sở. Nhưng ở giai đoạn đó dường như bị đốt cháy.
Tôi nghĩ, những cán bộ trẻ, dù là con em người lao động hay các vị lãnh đạo nếu được đào tạo, được học hành bài bản thì rất quý. Công bằng mà nói, con em của các vị lãnh đạo họ có gen, có môi trường giáo dục trong gia đình, được tiếp xúc nhiều với công tác quản lý hoặc những kinh nghiệm mà cha/mẹ họ thường trao đổi, điều đó rất thuận lợi và đáng khuyến khích. Tuy nhiên, họ bị đốt cháy giai đoạn tức là đưa vào vị trí công việc lãnh đạo một cách nhanh quá trong khi tuổi đời còn rất trẻ thì phải phê phán, nhắc nhở.
Những người vừa tốt nghiệp đại học phải được về cơ sở, về công trường hay nhà máy để trưởng thành rồi đề bạt lên những vị trí từ thấp đến cao, như vậy là hợp lý. Trong hiện tượng vừa qua, thiếu là thiếu ở chỗ đó.
PV: Vụ ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là “tảng băng trên mặt nước” và nhiều năm qua, từ cấp cơ sở lên Trung ương có nhiều cán bộ sai phạm nghiêm trọng nhưng vẫn được thăng tiến và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Theo ông, Đảng, Nhà nước và Quốc hội cần có biện pháp như thế nào để ngăn chặn vấn đề này?
Ông Vũ Mão: Nghị quyết Trung ương 4 đã nói rất thẳng thắn, sâu sắc, quyết liệt là có bộ phận cán bộ hư hỏng, không có đạo đức, không chịu rèn luyện và bộ phận này không phải ít. Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã nói tới việc cần phải sửa chữa, nhưng từ đó cho tới nay việc sửa ít quá, có khi hiện tượng còn phổ biến hơn, nặng nề hơn. Đó là điều đáng suy nghĩ. Đó là trách nhiệm của Đảng, của các cơ quan lãnh đạo.
Ở đây có vấn đề là sự nuông chiều, nhóm lợi ích, bè phái trong công tác cán bộ. Đó là hiện tượng không bình thường mà Đảng, Nhà nước cần phải nhìn rõ để chấn chỉnh ngay. Kể cả công tác luân chuyển cán bộ hiện nay làm còn mang tính hình thức, không đi vào thực chất, không mang lại kết quả mà có khi gây tai hại lớn hơn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân không hài lòng.
Không vì sợ xử lý mà né tránh trách nhiệm
PV: Dư luận đặt câu hỏi: Ai đã sai trong việc luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Quang Hải và sai ở khâu nào? Vì một mình ông Thanh không thể đi được mà phải qua các khâu tổ chức từ Bộ Nội vụ, các cơ quan ban ngành, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Việc bố trí, đề bạt cán bộ có quy trình, thủ tục, như người ta thường nói “quy trình của chúng tôi rất đúng”. Việc ông Trịnh Xuân Thanh được đưa về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang thì phải có quyết định của các cơ quan có thẩm quyền. Đưa ông Thanh vào Tỉnh ủy Hậu Giang thì phải có quyết định của Ban Bí thư, vì cấp đó là Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý, mà người giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng là ai? Cơ quan nào? Và việc liên quan đó phải có quyết định của Thủ tướng vì đây là vị trí Phó Chủ tịch tỉnh, Thủ tướng quyết định trên cơ sở của ai đề nghị? Rõ ràng là có Bộ, ngành cụ thể đề nghị việc này. Những việc đó không thể né tránh được mà hãy dũng cảm. Nếu có khuyết điểm thì nhận khuyết điểm, không vì sợ xử lý mà né tránh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt vấn đề vụ này phải đi đến cùng và phải làm rõ. Theo tôi, các cơ quan có trách nhiệm phải đi đến cùng và phải dũng cảm nhận thấy phần trách nhiệm của mình, từ đó cùng nhau tìm ra nguyên nhân sâu sắc. Đây là hiện tượng cụ thể nhưng lại khá phổ biến, cần phải rút ra bài học chung cho Đảng, Nhà nước.
PV: Lâu nay, chúng ta vẫn nói luân chuyển cán bộ theo đúng quy trình nhưng trường hợp con ông cháu cha ngồi “ghế” chưa nóng đã di chuyển từ chỗ nọ tới chỗ kia, đó là hình thức hợp lệ để thăng tiến. Theo ông, có nên rà soát lại các trường hợp đó không?
Ông Vũ Mão: Chủ trương luân chuyển cán bộ của ta đã có từ lâu, chủ trương đó là đúng, hợp lý nhưng trong một số năm vừa qua người ta đã hiểu khác và vận dụng khác đi. Rõ ràng ở đây có nhóm lợi ích đan xen vào đây, chỉ đạo công tác luân chuyển cán bộ.
Tôi nghĩ rằng công tác luân chuyển cán bộ là cần thiết, nhưng nếu cứ quan niệm luân chuyển cán bộ một, hai, ba năm để về đề bạt lên cấp cao hơn là không tốt và không nên. Thậm chí, hiện nay người ta “chạy” để được luân chuyển. Đằng sau chuyện luân chuyển đó là cái gì? Có phải là động cơ không đúng đắn và kèm theo lợi ích vật chất để được luân chuyển không? Hiện trạng đó cần chấn chỉnh.
Muốn đi đến cùng phải tìm nguyên nhân ở đâu, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân nào thì mới rút kinh nghiệm được. Nếu bây giờ cứ phê chung chung, nói chung chung luân chuyển cán bộ là đúng đắn nhưng ở nơi này, nơi khác thực hiện không tốt, nhưng nơi này, nơi khác là ai, cơ quan nào? Đó là hiện trạng xã hội không tốt, cần phải chấn chỉnh, tìm nguyên nhân và tìm ra trách nhiệm của những người trong vấn đề này.
PV: Người thuộc diện con, em, cháu hoặc người thân của cán bộ nào đó mà coi nhẹ các tiêu chí về năng lực, phẩm chất trong bổ nhiệm, theo ông, sẽ dẫn đến những hệ lụy gì cho nền công vụ?
Ông Vũ Mão: Theo tôi, là công dân trong xã hội thì phải được công bằng như nhau. Tôi nhớ lại, thời kỳ chống Pháp, Bác Hồ rất quan tâm tới việc đào tạo cán bộ cốt cán cho đất nước, trong đó có lớp người trẻ tuổi (11-14 tuổi) đã từng tham gia kháng chiến, từng là liên lạc, là thiếu sinh quân và một số người (không nhiều) là con em các đồng chí lãnh đạo trung cấp, cao cấp để cùng vào môi trường được đào tạo, được học hành và trưởng thành. Nhiều người đã trưởng thành và trở thành những cán bộ cốt cán của đất nước thời kỳ chống Mỹ cứu nước và trong xây dựng đất nước. Đó là việc làm đúng đắn và cần thiết.
Vì vậy, cần thống nhất quan điểm, thái độ là quan tâm đào tạo cán bộ ở tất cả đối tượng, kể cả con em các đồng chí lãnh đạo. Mặt khác, phê phán ở chỗ, chúng ta cứ chăm chăm vào một số con em của lãnh đạo, nhất là những người có chức, có quyền, là cánh hẩu, nhóm lợi ích với nhau mà quan tâm, đề bạt con em của mình và con em của những người thân thiết, gắn bó với mình; hoặc đằng sau đó có “phong bì” với nhau. Rõ ràng điều đó dư luận không thể đồng tình, như vậy sẽ không chọn ra được cán bộ mẫu mực, cán bộ xứng đáng đủ tiêu chuẩn.
Quan trọng nhất là cán bộ đủ tiêu chuẩn thì mới được đề bạt. Tiêu chuẩn này phải phân tích với nhau chứ không cứng nhắc, chung chung là 3 hay 5 tiêu chuẩn.
Cần phải thấy rõ, những người có chức có quyền trước hết phải là công bộc của dân, phục vụ nhân dân chứ không phải là ông quan lớn có chức, có quyền để tham nhũng, đưa con em vào cương vị lãnh đạo. Đó là điều nhân dân không đồng tình và phải kiên quyết đấu tranh.
Như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh hay một số trường hợp khác nên phân tích, làm rõ và phải công bố cho nhân dân được biết.
PV: Mới đây phát biểu trong lễ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”. Theo ông, để công tác bổ nhiệm, sử dụng cán bộ được chính xác, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
Ông Vũ Mão: Ngoài cán bộ ở Trung ương là ở tầm vĩ mô, chúng ta cũng cần quan tâm tới cán bộ ở tầm vi mô là ở các cấp, từ thôn, xã cho đến quận/huyện. Đây chính là nguồn cán bộ rất tốt để đào tạo cho cán bộ Trung ương bởi vì những người này đã kinh qua thực tiễn và trưởng thành. Nếu họ trở về cương vị lãnh đạo nào đó ở Trung ương thì họ thấu hiểu lòng dân.
Chúng ta phải làm một cách bài bản, căn cơ, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa rất thiếu cán bộ thì phải có cách đào tạo.
Nguồn cán bộ đào tạo từ vùng núi, dân tộc để trở thành cốt cán cho địa phương, trong số đó có người được về Trung ương công tác, thậm chí có người được tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương thì đó là nguồn rất quan trọng.
Đối với cán bộ được trưởng thành từ công-nông thì lâu nay đã làm và có nhiều tấm gương tốt và bây giờ cần tiếp tục phát huy điều này.
Theo tôi, việc này, Đảng và Nhà nước ta có truyền thống phải tiếp tục phát huy, trở lại những nguyên tắc cơ bản và làm tốt hơn nữa. Hiện tượng “con ông cháu cha” rất đáng trách và cần phải sửa chữa kịp thời.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Ý kiến ()