Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay, các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố đã triển khai các bước chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử theo đúng tiến độ, kế hoạch, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật. Công tác ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cuộc bầu cử của các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kịp thời, thuận lợi cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai công tác bầu cử tại địa phương. Các đại biểu cho rằng: Trong quá trình tổ chức hiệp thương đã cân đối hợp lý thành phần đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, chú ý đến thành phần là đại biểu nữ, trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội.
Hội đồng bầu cử Quốc gia đã hướng dẫn các cơ quan Trung ương, địa phương xây dựng kinh phí phục vụ công tác bầu cử. Một số cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động tự cân đối kinh phí, tạm ứng kinh phí bước đầu cho các đơn vị, tổ chức phụ trách bầu cử để kịp thời thực hiện các nội dung công tác bầu cử theo đúng quy định.
Tuy nhiên, đại diện Sở Nội vụ một số tỉnh, thành cũng nêu một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Phùng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho rằng: “Trong quá trình thực hiện vừa qua địa phương băn khoăn, đó là hướng dẫn chưa kịp thời về khám sức khỏe, tuổi tái cử, tuổi đối với ứng viên phường, xã không rõ ràng gây khó khăn hướng dẫn cơ sở thực hiện. Khi thực hiện đến gần cuối lại có văn bản hướng dẫn thay đổi thẩm quyền danh sách cử tri ở các đơn vị lực lượng vũ trang và nơi được thành lập các khu vực bỏ phiếu riêng”.
Các đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu sớm để Chính phủ ban hành Nghị định về tiêu chí phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn theo Luật Chính quyền địa phương để làm cơ sở cho việc chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự phục vụ cho kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân các cấp.
Về những điểm cần lưu ý trong ngày bầu cử, ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho rằng: “Nếu đơn vị bỏ phiếu 1.000 người, nhưng người đi đến đăng ký bổ sung danh sách 20 người. Khi đánh giá kết quả thì đánh giá kết quả trong danh sách cử tri. Như 20 người này cũng như 1.000 người kia đồng ý bầu cho đồng chí A thì sẽ đạt trên 100% số phiếu. Nhưng vẫn còn mâu thuẫn: Tổ bầu cử mới được phát phiếu bầu cho những cử tri này, như vậy trong ngày đang diễn ra bầu cử, thì cử tri đến vẫn được phát phiếu nếu đủ giấy tờ hợp lệ. Như vậy lại trái với quy định tiếp theo mà Bộ Nội vụ chưa có quy định”.
Sau khi trực tiếp giải đáp những thắc mắc của các địa phương, đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức việc khai mạc và kết thúc cuộc bầu cử đảm bảo thời gian luật định, đôn đốc cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu.
Trước mắt, tổ chức tốt Hội nghị tiếp xúc cử tri và công tác vận động bầu cử của những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Ủy ban bầu cử các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan chỉ đạo, hướng dẫn và xử lý theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử. Các địa phương chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử./.
Ý kiến ()