Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 13/01/2025 01:37 (GMT +7)
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Kích hoạt đầu cầu để mở ra đầu cung
Thứ 3, 31/08/2021 | 15:05:00 [GMT +7] A A
Tại buổi ra mắt diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 31/8 với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành và gần 200 doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong cả nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa nhấn mạnh, thị trường quyết định chứ không phải người sản xuất.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) Đoàn Thị Cẩm Tú giúp dân đi chợ mua thực phẩm trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
“Từ diễn đàn kết nối này, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ phát đi tín hiệu thị trường từ đó kích thích nông dân sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Việc tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng từ đó sẽ mở ra cơ hội sản xuất. Đôi khi người tiêu dùng thấy tiện ích sẽ mua hàng hóa. Việc kích hoạt đầu cầu để mở ra đầu cung”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng thông qua diễn đàn sẽ góp phần hình thành hệ sinh thái nông nghiệp vì chỉ có hệ sinh thái sẽ tạo sự bổ sung sức mạnh, phát triển bền vững. Bộ cùng các đơn vị chuyên ngành ở địa phương cũng thấy được vai trò kết nối cung cầu, tìm đến thị trường để dẫn dắt sản xuất.
Diễn đàn được thành lập trên tinh thần kế thừa hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản của Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Diễn đàn nhằm hình thành, kết nối giữa các khâu từ sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, đến tiêu thụ nông sản… để từ đó tạo mối “liên kết – hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, hoạt động kết nối cung cầu, với sự hỗ trợ của các tỉnh, đặc biệt là Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tiêu thụ được hơn 4.000 tấn nông sản các loại. Diễn đàn tạo điều kiện tháo gỡ khá nhiều cho sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tuy vậy, số nông sản đã tiêu thụ được còn khiêm tốn so với lượng nông dân sản xuất ra.
Ông Lê Văn Sử cho biết, địa phương đã thu hoạch lúa Hè Thu được khoảng 1/3 diện tích gieo cấy. Việc thu hoạch, vận chuyển nhờ có sự chuẩn bị sớm với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nên không gặp khó khăn đáng kể, trừ tác động của mưa.
Theo ông Lê Văn Sử, các khó khăn bởi dịch COVID-19 đều tác động đến đầu ra của sản phẩm. Nhìn vào giá đầu ra, chúng ta suy ra được sự tác động này là thế nào. Điển hình như tôm Cà Mau giảm từ 8.000-23.000 đồng/kg tùy loại. Nông dân chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Nhận định của một số người là chuỗi sản xuất tôm có khả năng gãy đổ.
Bên cạnh đó, khai thác hải sản đang chịu ảnh hưởng từ đất liền. Mực tươi, mực khô các loại có giá giảm 30%. Cá các loại giảm từ 20-29%.
Ông Lê Văn Sử chia sẻ, tỉnh Cà Mau ưu tiên cho phòng chống dịch, căn cứ tình hình để tạo điều kiện cho sản xuất. Nếu mở sản xuất mà gây dịch bệnh tràn lan thì mọi hoạt động đều không có ý nghĩa.
Từ mô hình hỗ trợ sản xuất lúa của Tập đoàn Lộc Trời, ông Lê Văn Sử kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn người dân qua doanh nghiệp. Bởi, nếu doanh nghiệp nhận được hỗ trợ thì sẽ duy trì được sản xuất, hỗ trợ lại nông dân, tránh sự gãy đổ các chuỗi sản xuất.
Qua kết nối với Tổ công tác, ông Hoàng Văn Duy, Tổng giám đốc Mekong Sea Food Group cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp được hỗ trợ và kết nối với nhiều hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đang có nguồn cung dồi dào về những sản phẩm doanh nghiệp cần. Qua Tổ công tác, công ty đã chốt được khoảng 300 tấn thực phẩm.
Tuy nhiên, hạn chế của các cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào mới chỉ đáp ứng được nguyên liệu thô, chưa có sơ chế. Cùng với đó, mối liên kết giữa các công ty với nhau trong việc hợp tác, xuất đơn hàng lớn còn gặp khó khăn.
Riêng về thủy hải sản, doanh nghiệp đang có nhu cầu khoảng 1.500 tấn sản phẩm tươi, 3.000 tấn chế biến mỗi tháng. Những sản phẩm đơn vị có nhu cầu thu mua lớn là đùi ếch, cá rô phi, tôm và cá tra. Ông Hoàng Văn Duy mong muốn được Tổ công tác, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hợp tác xã kết nối thêm với các cơ sở có năng lực, nguyên liệu đầu vào ổn định, nhằm đáp ứng sâu hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường. Doanh nghiệp cần thông tin cung cầu thông suốt nhằm giúp những đơn vị có nhu cầu lớn sớm chốt đơn, đồng thời minh bạch đơn giá, tăng tính cạnh tranh và giảm việc phải liên kết nhỏ lẻ với từng hợp tác xã, đơn vị sản xuất.
Ông Hoàng Văn Duy mong muốn từ những kết nối, doanh nghiệp muốn đẩy mạnh khả năng tiêu thụ ở thị trường nội địa, thay vì chỉ chủ yếu xuất khẩu như hiện nay.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Tổ công tác, Saigon Co.op đã tiếp xúc được với 47 điểm cầu, 1.344 điểm kết nối, thu mua hàng nghìn tấn nông sản. Một số hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, gói combo hàng hóa đã giúp doanh nghiệp cung cấp thêm hàng hóa đến bà con ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Thời gian tới, Saigon Co.op sẽ tăng cường kết nối với nguồn nông sản của từng địa phương. Hiện đơn vị đã có mặt tại 47/63 tỉnh thành, nên Saigon Co.op sẽ kết nối thêm với các tỉnh còn lại. Saigon Co.op cũng sẽ thu mua, kết nối với các vùng, địa phương chưa có sự hiện diện của đơn vị và mong muốn các địa phương, bà con hỗ trợ giới thiệu.
Saigon Co.op đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này. Phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói.
Ngoài ra, ông Đức cho biết thêm, sản phẩm nông sản không thiếu nhưng phần đang thiếu là nguyên liệu phụ trợ cho nông sản hoàn chỉnh như một số nhà cung cấp thiếu bao bì, hỗ trợ đóng gói nông sản. Ngành nông nghiệp cần có sự liên kết để đảm bảo sản xuất thông suốt.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn II, thành viên Tổ công tác cho biết, đến ngày 31/8, Tổ công tác đã hình thành 1.344 đầu mối cung cấp mặt hàng nông lâm thủy sản, rau củ quả, trái cây, các sản phẩm chế biến, với khoảng 10 nhóm ngành hàng.
Trang web đặt hàng của Tổ công tác 970 là https://htx.cooplink.com.vn có khoảng 2.800 lượt đăng ký; trong đó 70% đăng ký bán, còn lại là mua và 7% là cơ quan Nhà nước. Dù mới triển khai, người dân rất quan tâm tới gói combo nông sản. Khi cao điểm, có tới 55.000 lượt đặt hàng chỉ trong vòng 10 phút. Theo thống kê, gói combo nông sản của Tổ công tác có thể cung cấp 55% lượng nông sản đến TP Hồ Chí Minh, Bình Dương với sản lượng khoảng 2.100 tấn.
Mục tiêu của Tổ công tác là đưa sản lượng cung cấp nông sản trong ngày lên mức tối đa 4.500 tấn. Để đạt được, Tổ công tác rất mong sự hỗ trợ của quân đội,địa phương, và các tổ chức như mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ.
Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản dù mới thành lập nhưng ký kết 4 hợp đồng với các đơn vị: Tập đoàn Central Retail, chợ đầu mối Thủ Đức, Saigon Co.op, Công ty Viet Travel. Trước đó, Tập đoàn Central Retail đã liên kết với Tổ công tác và cam kết tiêu thụ 10.000 combo nông sản 10kg.
Ngoài 4 hợp đồng này, một số đơn vị như Lazada, Chợ tốt đã liên hệ và cam kết đóng góp nền tảng số, công nghệ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, giúp người bán đăng ký các kho hàng để đưa nông sản từ hợp tác xã về TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc kết nối cung cầu hiện nay gặp một số khó khăn về thông tin, thu gom, tổ chức đầu mối, giao hàng theo nhu cầu của người mua, ông Trần Minh Hải thông tin.
Trên cơ sở hoạt động thực tiễn, Trần Minh Hải đề nghị các nhà bán lẻ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu mạnh dạn liên kết với Tổ công tác. Tổ công tác cam kết, sẵn sàng cung cấp mọi thông tin người mua, người bán, cả về đơn vị vận chuyển, logistics, lẫn hỗ trợ thủ tục ký hợp đồng trực tiếp.
https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-truong-le-minh-hoan-kich-hoat-dau-cau-de-mo-ra-dau-cung-20210831134747676.htm
Ý kiến ()