Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 21:01 (GMT +7)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2021, hành động ngay để không bỏ lỡ các cơ hội
Thứ 2, 25/01/2021 | 10:05:00 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ngành kế hoạch và đầu tư nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất trong năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Bối cảnh thế giới và trong nước năm 2021 vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước vẫn còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là những tiêu chí quan trọng cho sự phát triển bền vững trong tương lai… Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, ngành nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất.
Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế năm 2021, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xung quanh nội dung này.
Thưa Bộ trưởng, năm 2020, bối cảnh trong nước và quốc tế diễn biến bất lợi, đại dịch COVID-19, khiến kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng; trong nước, thiên tai, bão, lũ, hạn hán… đã gây rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh. Vậy, ngành đã thực hiện những nhiệm vụ gì để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển?
Đứng trước những khó khăn, thử thách, ngành kế hoạch và đầu tư đã phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong cải cách và đổi mới, tham mưu nhiều chính sách then chốt để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, ngành đã tiên phong khởi xướng làn sóng cải cách thể chế, với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, tư duy phát triển mang tính đột phá, táo bạo, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược, vượt qua những lợi ích cục bộ, vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước để đề xuất xóa bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh bất hợp lý, góp phần xây dựng niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp.
Về quản lý nhà nước đối với đầu tư công, tiếp theo Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Bộ đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 với nhiều quy định mới giúp quản lý chặt chẽ hơn toàn bộ quá trình đầu tư công nhưng cũng đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, trao sự chủ động trong quản lý hoạt động đầu tư công gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng vốn nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư.
Đặc biệt đối với thu hút đầu tư nguồn vốn FDI. Giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt là năm 2020, mặc dù, tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là tín hiệu tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Về phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt. Cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn.
Cùng với đó là việc thực hiện xây dựng quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; thống kê, phân tích và dự báo; tham mưu cơ chế chính sách chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, đổi mới sáng tạo, xây dựng các mô hình kinh tế mới và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Dự báo kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng từ những hệ lụy của đại dịch COVID-19. Từ những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, xin Bộ trưởng chia sẻ những bài học kinh nghiệm của ngành để có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò, chức trách của người tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước?
Theo tôi, có 5 bài học cần rút ra. Thứ nhất, đó là bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giúp chúng ta xác định đúng vấn đề cần nghiên cứu, tham mưu.
Thứ hai, theo dõi sát tình hình, biến động trong nước và quốc tế, có ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội để kịp thời đưa ra những phân tích, dự báo làm cơ sở cho công tác nghiên cứu, hoạch định và tham mưu chính sách.
Thứ ba, tư tưởng đổi mới, sáng tạo, tư duy phát triển, có tầm nhìn là những phẩm chất thiết yếu của một người cán bộ kế hoạch đầu tư giỏi. Để hoạch định chính sách cần có tư duy đi trước của người dẫn đường, luôn tiên phong tìm những hướng đi mới, phương pháp mới, cách làm mới để có thể đem lại hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, để tham mưu tốt còn cần có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, có nhiệt huyết với công tác kế hoạch và đầu tư. Những cái mới, sáng tạo, đột phá thường tạo ra những quan điểm trái chiều, chống lại từ những người bảo thủ, trì trệ, ngại đổi mới. Để có thể đưa sáng tạo, đổi mới vào cuộc sống chúng ta cần kiên định bảo vệ, chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của đổi mới, sáng tạo.
Cuối cùng, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ. Chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm. Chúng ta đã chứng kiến nhiều chính sách không triển khai được hoặc hiệu quả không được như kỳ vọng do được thiết kế theo tư duy chủ quan của người hoạch định, không bám sát thực tiễn, không đứng trên giác độ của người thụ hưởng chính sách.
Để đạt được những mục tiêu kế hoạch năm 2021, theo Bộ trưởng cần có những giải pháp cơ bản nào? Với cá nhân Bộ trưởng sẽ có những sáng kiến hay định hướng mới nào để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2021?
Tôi yêu cầu toàn ngành nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất. Theo đó, trong năm 2021 và những năm tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết; đó là: cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm).
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; phát triển kinh tế biển, đô thị lớn; tăng cường liên kết vùng; xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học – công nghệ.
Ngoài công tác chuyên môn, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các vấn đề xã hội, tích cực thực hiện các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng để vừa duy trì được truyền thống nhân văn của con người ngành kế hoạch đầu tư, vừa thấu hiểu hơn các đối tượng chính sách, gần gũi hơn với nhân dân, từ đó bảo đảm được sự hiệu quả, công bằng trong thiết kế, xây dựng và thực thi chính sách.
Trong bối cảnh tự do thương mại và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cơ hội; đồng thời, cũng đặt ra những thách thức cho phát triển kinh tế Việt Nam. Vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng kế hoạch gì để tận dụng cơ hội này?
Nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Trung tâm này đã được Thủ tướng Chính phủ “khai sinh” tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2019. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành một Nghị định riêng (Nghị định 94/2020/NĐ-CP) quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay.
Sau hơn một năm chuẩn bị, Trung tâm vừa được chính thức khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hoá sản phẩm.
Với tầm nhìn và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-truong-nguyen-chi-dung-nam-2021-hanh-dong-ngay-de-khong-bo-lo-cac-co-hoi-20210125074550374.htm
Ý kiến ()