Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 05:19 (GMT +7)
Bức tranh kinh tế số và thực tế tại Việt Nam
Thứ 4, 29/05/2019 | 09:02:00 [GMT +7] A A
Theo báo cáo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.
Nghiên cứu khác của Tổ chức Data61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khái niệm “kinh tế số” ở Việt Nam vẫn còn nhiều tranh cãi và cần được xác định lại, thế nào là kinh tế số và “kinh tế số” được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số hay không?
Phân tích khái niệm, hoàn thiện chiến lược kinh tế số
Tại hội thảo “Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam” mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, cần hiểu cặn kẽ về khái niệm kinh tế số để tránh nhầm lẫn. Kinh tế số có thể hiểu là một phần của nền kinh tế trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. 20 năm qua, các bộ, ngành đã chuẩn bị cơ chế, chính sách trong xây dựng hạ tầng về phát triển công nghệ số.
Cải cách dịch vụ công theo hướng hiện đại, thông minh thông qua ứng dụng điện tử giúp giảm phiền hà cho doanh nghiệp, cá nhân. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất hiện nay trong phát triển kinh tế số là sự hội tụ loạt công nghệ mới như: điện toán đám mây, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo… trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ mới cho phép doanh nghiệp xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng: Kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới, sử dụng và phát triển kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động, giá trị sản phẩm. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng…
Qua việc sử dụng công nghệ, các sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người sử dụng để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như: Grab, Uber, AirBnb…
Thực tế tại Việt Nam, việc kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành chưa liên thông với nhau nên khó cạnh tranh với thế giới. Hiện Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Theo dự thảo Nghị định chia sẻ, kết nối dữ liệu đang xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra khái niệm “open data” (dữ liệu mở), giúp doanh nghiệp có thêm thông tin hoạt động, sản xuất. Việc xây dựng và sử dụng dữ liệu mở trong nền kinh tế số là “chìa khóa” cho thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng: Kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng những chiến lược về kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên khái niệm kinh tế số này. Về cơ sở dữ liệu, thực tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau về đăng ký doanh nghiệp, đấu thầu, doanh nghiệp nước ngoài… Nhưng quan trọng là các hệ thống dữ liệu này chưa kết nối, liên thông với nhau. Ở góc độ quốc gia, hiện mỗi bộ có hệ thống thông tin khác nhau, không liên thông với các bộ ngành mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan. Do đó, thời gian tới, cần hướng tới tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia, để dùng chung.
Tương lai kinh tế số Việt Nam
Hiện, chính sách phát triển kinh tế số của Việt Nam đang chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác, hạ tầng kinh tế số không phát triển gây ảnh hưởng chung tới nền tảng phát triển kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Các học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Tại hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho Phát triển Kinh tế – Xã hội của Việt Nam” mới diễn ra, Tổ chức Data61/SCIRO – Cơ quan chuyên nghiên cứu về số liệu và công nghệ số thuộc Tổ chức khoa học quốc gia Australia cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố “Báo cáo Tương lai kinh tế số Việt Nam: Hướng đến năm 2030, 2045”. Báo cáo phân tích các xu thế ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế số của Việt Nam đến năm 2045. Báo cáo là một hợp phần trong Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia tài trợ với trị giá 10 triệu đô la Australia. Chương trình là sáng kiến chiến lược được thiết kế để tăng cường các mối liên kết giữa hệ thống đổi mới sáng tạo của Australia và Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Bộ Khoa học và Công nghệ đã cùng với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, các chuyên gia đến từ Tổ chức Data 61|CSIRO triển khai các nghiên cứu về tương lai kinh tế số của Việt Nam. Theo đó, “Báo cáo Tương lai kinh tế số Việt Nam” đưa ra một bức tranh toàn cảnh giúp Việt Nam hoạch định cho sự phát triển kinh tế số của đất nước. Đồng thời, đưa ra các kịch bản phát triển kinh tế số có thể xảy ra và các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ Việt Nam, đặc biệt từ góc độ đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sáng tạo của quốc gia.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick khẳng định: Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và đã trở thành một trong những quốc gia năng động nhất ở khu vực Đông Á. “Báo cáo Tương lai kinh tế số Việt Nam” sẽ định hướng các hoạt động tiếp theo trong 3 năm tới, tập trung vào xây dựng mối liên kết hợp tác để tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhằm thích nghi với những thách thức và cơ hội của kinh tế số.
“Làn sóng” tiếp theo của các công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật và các dịch vụ dựa trên nền tảng và điện toán đám mây – có tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu suất cao tiếp theo của Châu Á. Việt Nam cần phải nắm bắt những cơ hội này để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Tổ chức Data 61/CSIRO cũng đã phối hợp với nhóm nghiên cứu Bộ Khoa học và Công nghệ để xác định 7 xu thế chủ đạo ảnh hưởng đến tương lai kinh tế số của Việt Nam. Những xu thế này gồm: Tác động của các công nghệ số mới nổi, các thị trường xuất khẩu mới cho Việt Nam, sự phát triển của cơ sở hạ tầng số hiện đại, nhu cầu phát triển thành phố thông minh, sự gia tăng của kỹ năng, dịch vụ số và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Các xu thế chủ đạo này là cơ sở xây dựng nên 4 kịch bản cho tương lai nền kinh tế số của Việt Nam. Các kịch bản này đã phác họa một bức tranh toàn cảnh giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch cho kinh tế số của Việt nam trong tương lai.
Ý kiến ()