Thứ Năm, 23/01/2025 04:55 (GMT +7)

Các địa phương tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ 5, 30/05/2019 | 09:12:00 [GMT +7] A  A

Tại tỉnh Quảng Nam, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 81 hộ chăn nuôi, ở 28 thôn, 9 xã thuộc 4 huyện, thị xã và thành phố là: Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn và Tam Kỳ. Tổng số lợn mắc bệnh mà các ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy là 267 con lợn.

Trước diễn biến phức tạp, lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi, ngày 29/5, đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đã đi kiểm tra ở một số xã nằm trong vùng trung tâm của dịch bệnh tại huyện Duy Xuyên và Thăng Bình.

Qua kiểm tra thực tế tại xã Duy Thành, Duy Hải và Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên, đoàn công tác ghi nhận sự chủ động vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khoanh vùng dịch, thành lập các tổ chốt chặn, phun thuốc tiêu độc khử trùng, xử lý lợn bị nhiễm bệnh, thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh để nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh… Tuy nhiên, đoàn công tác cũng lưu ý các địa phương cần chủ động trong việc lựa chọn địa điểm đảm bảo điều kiện để xử lý chôn lấp số lượng lớn lợn bị chết khi có phát sinh trong thực tế.

Rắc vôi tiêu độc khử trùng quanh khu vực chuồng nuôi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi các địa phương trong tỉnh không được chủ quan. Các cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh; phát huy vai trò nêu gương của mỗi đảng viên ở cơ sở trong phòng chống dịch.

Trước kiến nghị của nhiều địa phương yêu cầu hỗ trợ hóa chất để phun tiêu độc khử trùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, hiện tại trong kho dự trữ của tỉnh vẫn còn 3.500 lít hóa chất đủ để cấp phát cho các địa phương đang có dịch.

Tuy nhiên, các địa phương phải thực hiện đúng quy trình làm vệ sinh chuồng trại trước khi phun thuốc để vừa phát huy hiệu quả dập dịch, vừa tiết kiệm nguồn hóa chất được cấp. UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh 30.000 lít hóa chất và địa phương cũng đang mua thêm 30.000 lít hóa chất để chủ động đối phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, UBND tỉnh Quảng Nam cũng sẽ có văn bản yêu cầu chủ đầu tư hai dự án là khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và khu du lịch Vinpearl Land Nam Hội An nằm trong khu vực đang có dịch tả lợn châu Phi phải có biện pháp kiểm soát nguồn thực phẩm được các công nhân đang làm việc ở đây tiêu thụ.

Trước đó, các cơ quan chức năng đã xác định một trong những nguyên nhân dẫn tới xuất hiện trường hợp lợn bị dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên là do những công nhân tại đây đã mang sản phẩm thịt lợn chưa qua nấu chín từ các tỉnh phía Bắc vào sử dụng.

Trong khi đó, tại tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo 3 huyện phía Nam lập thêm 9 chốt kiểm dịch tại cửa ngõ ra vào địa bàn tỉnh – nơi tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận.

Các địa phương bố trí lực lượng trực tại các chốt có trách nhiệm kiểm soát xe vận chuyển heo và các sản phẩm thịt động vật và xe vận chuyển các loại phân hữu cơ (phân chuồng) ra, vào địa phương theo quy định. Đồng thời, các lực lượng sẽ tiến hành kiểm tra giấy phép, phun thuốc tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông đã có dịch bệnh này nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan là rất cao.

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, tỉnh Kiên Giangcũng tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, ngăn chặn không để bùng phát lây lan dịch trên diện rộng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, sau khi phát hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi vào ngày 23/5/2019 tại hộ chăn nuôi ở xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp thì trong 3 ngày sau đó tiếp tục xuất hiện dịch bệnh tại 5 hộ dân trên địa bàn huyện này với số lợn tiêu hủy là 112 con, trọng lượng hơn 6 tấn.

Ngoài ra, Chi cục đã gửi 4 mẫu bệnh phẩm lợn nghi nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi của 4 hộ dân ở xã Thạnh Đông A và thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp; xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận; thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất đến Chi cục Thú y vùng VII để xét nghiệm.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngăn chặn mầm bệnh phát tán, lây lan, tổ chức khống chế, thanh toán dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới phát sinh, Kiên Giang đang huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc để phòng chống, ứng phó hiệu quả, dập tắt nhanh dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung vệ sinh, tiêu độc khử trùng; kiểm soát vận chuyển; chủ động giám sát, cảnh báo và truyền thông; khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh, nghi ngờ bệnh theo quy định. Kiên Giang kiên quyết không để dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại nặng, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống, sản xuất của nhân dân trên địa bàn.

Theo ông Mai Anh Nhịn, các cơ quan đơn vị cân nhắc, giảm bớt các cuộc họp, các hoạt động chưa thật sự cần thiết, dành thời gian, nguồn lực tập trung phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Cùng với đó, các huyện, thành phố tiến hành tiêu hủy đàn lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được kết quả xét nghiệm; khoanh vùng ổ dịch, xác đinh vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và giám sát chặt chẽ các đàn lợn trong vùng theo hướng dẫn của ngành thú y; tổ chức các chốt kiểm dịch ra vào vùng dịch.

Tỉnh đã bố trí 13 chốt, tổ kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ trên những tuyến đường huyết mạch ở các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương và một số chốt lưu động để kiểm soát việc vận chuyển lợn vào địa bàn.

Tại tỉnh Kon Tum, trước việc dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai (địa bàn giáp ranh tỉnh Kon Tum) và đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương, UBND Kon Tum đã có công điện khẩn yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, nắm chắc tình hình, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo Trung ương.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, tổng hợp kịp thời diễn biến về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật về phòng chống để người dân biết, thực hiện; tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng dân cư hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với lực lượng liên ngành tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông ra vào tỉnh thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát động vật sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh theo đúng quy định…

Ngoài ra, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển, mua bán lợn và sản phẩm lợn qua các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới tiếp giáp với các nước Lào và Campuchia…

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trường thành lập đội kiểm tra liên ngành, lập chốt kiểm dịch tạm tại các trục đường nối với các tỉnh giáp ranh nhằm tổ chức kiểm tra hoạt động vận chuyển mua bán, giết mổ lợn, sản phẩm lợn.

Đặc biệt, tỉnh xử lý nghiêm các điểm mua bán, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn không đúng nơi quy định, không có kiểm soát của cơ quan thú y; tăng cường giám sát nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn.

Mặt khác, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh, nâng cao hơn nữa việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi…

Đến nay tỉnh Kon Tum chưa xuất hiện Dịch tả lợn châu Phi, từ tháng 3 UBND tỉnh Kon Tum đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống, khống chế dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 27/5, đã có 44 tỉnh, thành trên cả nước có dịch tả lợn châu Phi, số lợn nhiễm bệnh và phải tiêu hủy là hơn 1,84 triệu con.

Nhóm PV CQTT TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu