Thứ Tư, 08/01/2025 04:18 (GMT +7)

Các hãng hàng không điều chỉnh dải giá vé khi tăng trần từ 1/3

Thứ 6, 01/03/2024 | 11:06:02 [GMT +7] A  A

Trước thềm quy định tăng trần giá vé máy bay nội địa, các hãng hàng không cho biết, đây là điều kiện để điều chỉnh dải giá vé bay trong mạng đường bay nội địa, ở cả phân khúc cao và thấp.

Máy bay của các hãng hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Đại diện Vietnam Airlines cho rằng, việc tăng giá trần vé máy bay là điều kiện để các hãng bù đắp chi phí, cũng như điều chỉnh dải giá vé bay trong mạng đường bay nội địa.

"Khi nới giá vé, hãng có cơ hội đầu tư ở các phân khúc giá chi trả cao, cũng như có thể kéo được mức giá thấp hơn để phục vụ nhu cầu hành khách ở phân khúc chi trả thấp hơn. Hoặc, những giai đoạn thấp điểm của thị trường sẽ có nhiều chương trình khuyến mại hơn", Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà chia sẻ. 

Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, việc nới trần giá vé máy bay nội địa nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các hãng hàng không, hành khách và những chính sách chung của Nhà nước. Về phía các hãng hàng không sẽ áp dụng giá ở mức tối ưu theo mức giá trần trong những dịp cao điểm như Tết và dịp Hè để bù đắp cho các giai đoạn thấp điểm. 

Đại diện Vietravel Airlines cũng cho biết, việc tăng giá trần đảm bảo quyền lợi của khách hàng luôn ở mức cao nhất cùng với trải nghiệm trên mỗi chuyến bay. Về phía các hãng hàng không có thể cân đối được các khoảng chi phí trực tiếp và gián tiếp, đảm bảo được hoạt động khai thác trong dài hạn, bên cạnh đó các dải giá vé cũng được mở rộng.

Bởi lẽ, các hãng hàng không đang phải gánh những thay đổi trong chi phí đầu vào, từ giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ...

Vietravel Airlines căn cứ theo số liệu doanh thu năm 2022 cho thấy, hoạt động khai thác trên các chặng bay nội địa với khung giá hiện tại chưa đảm bảo được chi phí vận hành cũng như hiệu suất lợi nhuận của hãng trong dài hạn. Chỉ số chi phí/hành khách/km được ghi nhận đã vượt quá 150% với chỉ số doanh thu bay trên toàn bộ chặng bay nội địa.

Về phía Vietnam Airlines cho biết, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của hãng. Giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) tăng khoảng 85% từ 67,3 USD/thùng lên 124,4 USD/thùng khiến chi phí của hãng tăng khoảng 30,5%.

Cùng với đó, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND. Tỷ giá tăng 6,6% từ năm 2015 đến năm 2022 (tăng bình quân từ 21.900 VND/USD lên 23.350 VND/USD) làm chi phí của hãng tăng tương ứng 4,3%.

Do đó, chi phí vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines năm 2022 là 2.769 đồng/khách/km, cao hơn 43% so với chi phí năm 2015 (1.933 đồng/khách/km).

Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,1% so với tháng 9/2015. Tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,9% so với tháng 8/2015.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc đề xuất tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỷ giá đều tăng cao. Số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á hồi tháng 6/2023 là 85,4 USD/thùng.

Từ 1/3, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản sẽ thay đổi theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. 

Cụ thể, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).

Theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT, mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không. Mức giá này bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Diệp Anh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu