Hội thảo là hoạt động quan trọng đánh dấu 55 năm ngày quân đội Mỹ tiến hành phi vụ đầu tiên phun rải chất độc hóa học xuống Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016).
Thông tin tại Hội thảo cho biết, trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1961 – 1971, núp dưới tên gọi là chất diệt cỏ hay chất làm rụng lá, quân đội Mỹ đã rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, gồm chất da cam, chất trắng, chất tím, chất xanh… trong đó 61% là chất da cam.
Các chất hóa học đó đã tàn phá môi trường; các hệ sinh thái bị đảo lộn, gây tổn thất rất lớn về tài nguyên gỗ, nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng. Các chất độc da cam/dioxin gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ phận của cơ thể. Nạn nhân chất độc da cam thường bị đa bệnh, bệnh rất nặng, bệnh âm thầm tích tụ và bột phát bất ngờ, không hy vọng chữa khỏi. Hàng vạn người Việt Nam đã bị tước đi năng lực sinh con và hạnh phúc làm cha mẹ.
PGS.TS. Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết: Có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị rải trực tiếp chất độc da cam/dioxin. Trong số những người bị phơi nhiễm, có 3 triệu người là nạn nhân của chất độc này. Đặc biệt, hiện cả nước có khoảng 300.000 nạn nhân là con, cháu, chắt của người bị nhiễm trực tiếp; có gần 200 nhóm bệnh tật, dị dạng, dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Không những người Việt Nam, mà các lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand từng tham chiến ở Việt Nam cũng mắc nhiều bệnh tật do chất độc da cam.
“Đoàn kết và hành động” – là lời kêu gọi được các nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo. Trong đó nhấn mạnh: Đoàn kết; đẩy mạnh nghiên cứu và khắc phục hậu quả; Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ phải chấp nhận và thực hiện trách nhiệm đối với hậu quả chất độc da cam do họ gây ra.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, người Việt Nam không sản xuất, đi mua, nhập khẩu, không rải chất da cam/dioxin tại Việt Nam, nhưng người Việt Nam đang và tiếp tục là nạn nhân của chất độc chết người này. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng khẳng định, các bên cần tăng cường hợp tác, bằng tiếng nói của khoa học, lương tâm, sự thật để không còn chiến tranh, trong đó có chiến tranh sử dụng chất độc hóa học; để tất cả những nạn nhân chiến tranh, đặc biệt là những nạn nhân chất độc dioxin, được hỗ trợ, được trả lại công bằng.
Hội thảo sẽ diễn ra từ hôm nay đến hết ngày 9/8./.
Ý kiến ()