Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 19:21 (GMT +7)
Các trường vùng sâu vùng xa gặp khó khi tiếng Anh là môn thi bắt buộc
Thứ 5, 20/04/2017 | 20:34:00 [GMT +7] A A
So với 2 kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016, một trong những thay đổi đáng kể của kỳ thi năm 2017 là môn ngoại ngữ (thường là môn tiếng Anh) trở thành môn thi bắt buộc đối với tất cả thí sinh hệ giáo dục phổ thông. Trước thay đổi này, học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh đã ôn luyện môn thi bắt buộc này như thế nào đạt kết quả tốt nhất.
Ôn thi môn tiếng Anh. Ảnh minh họa
Tại trường THCS&THPT Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, thầy và trò nơi đây đang tập trung phụ đạo, ôn luyện kiến thức căn bản nhất để các em nắm vững và nhận dạng đề thi. Do trình độ tiếng Anh của không ít học sinh nơi đây còn hạn chế và chênh lệch nên việc ôn tập cho các em cũng gặp không ít khó khăn.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Ngoài môn Toán, Văn, môn Anh Văn là môn thi bắt buộc. Trong khi đặc thù của các trường vùng sâu, vùng xa, xã khó khăn điều kiện học tập, trình độ tiếng Anh của học sinh nơi đây còn hạn chế thì đây là một trong những áp lực đối với những học sinh vốn không có nhiều thế mạnh về bộ môn này.
Theo công bố của Bộ Giáo dục & Đào tạo, bài thi môn Ngoại ngữ sẽ có 50 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 60 phút, điểm liệt được quy định là 1,0 điểm. Để tránh bị điểm liệt trong kỳ thi THPT sắp tới, ngay từ đầu năm học, Trường THPT Thạnh Hóa đã có kế hoạch phân luồng học sinh để ôn tập phù hợp, đặc biệt là phụ đạo cho học sinh yếu kém.
Trường THCS &THPT Hậu Thạnh Đông và trường THPT Thạnh Hóa là 2 trong số 15 trường vùng sâu, vùng biên giới và các trường thuộc xã khó khăn với khoảng 3 ngàn học sinh bắt buộc thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017, chiếm khoảng 23% trong tổng số khoảng 13 ngàn thí sinh dự thi. Đây là năm đầu tiên thi môn tiếng Anh bắt buộc nên hầu hết thí sinh gặp không ít khó khăn trong khi những năm học trước, các trường này có đến 90% thí sinh đăng ký thi thay thế môn tiếng Anh. Thời gian tới đặt ra cho ngành giáo dục nói chung, học sinh nói riêng những giải pháp, phương pháp dạy và học môn ngoại ngữ hiệu quả hơn.
Hồng Xuyến – Đức Cảnh
Ý kiến ()