Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 14:41 (GMT +7)
Cách nào giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng GDP 6,7% năm 2018?
Thứ 4, 10/01/2018 | 09:23:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Chính phủ đặt mục tiêu năm 2018 GDP tăng 6,7%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4%.
Nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng
Năm 2018, Chính phủ “chốt” chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 4%, tương đương chỉ tiêu năm 2017. Nhưng chuyên gia kinh tế khuyến cáo, công tác quản lý điều hành giá trong năm 2018 vẫn cần hết sức thận trọng.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, năm 2018 dự báo khó có những cú sốc kinh tế nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất lợi đến kiểm soát lạm phát. Ví dụ như: giá cả hàng hóa thế giới vận động theo xu hướng tăng và tác động đến giá cả trong nước như dầu, khí tự nhiên, than đá (nhiều tổ chức lớn trên giới dự báo tăng khoảng 7-10 lên 60 USD/thùng); mở rộng tín dụng, tỷ giá; tác động vòng tiếp theo của việc điều chỉnh giá điện; thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu; lộ trình giá cả một số giá hàng hóa dịch vụ Nhà nước còn định giá…
“Cần chú ý kiểm soát tốc độ tăng CPI ngay từ những tháng đầu năm để tạo dư địa điều hành cho các tháng cuối năm. Nguồn hàng hóa phải luôn đảm bảo đủ; cắt giảm các chi phí (như chi phí sản xuất, giảm mặt bằng lãi suất, giảm phí BOT…), thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; điều chỉnh giá mặt hàng do nhà nước định giá hợp lý. Với các biện pháp trên, mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng ở mức 4% là có khả thi”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhận định.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, lạm phát năm 2018 sẽ chịu nhiều áp lực từ việc điều chỉnh giá dịch vụ công, giá thực phẩm. Năm 2018, giá thịt lợn sẽ khôi phục khi nguồn cung giảm do ngành chăn nuôi có những điều chỉnh nên sẽ tác động đến giá cả. Để đạt tăng trưởng kinh tế 6,7% trên nền tăng trưởng cao của năm 2017, các biện pháp kích cầu sẽ được áp dụng nên có thể sẽ gây áp lực lạm phát cầu kéo… Tuy nhiên, ông Long cũng nhận định, lạm phát năm 2018 và 2019 cũng sẽ chỉ ở mức khoảng 4%.
Với nền tảng tăng trưởng kinh tế 2017, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2018 của Chính phủ đề ra có thể đạt được. Tuy nhiên, Việt Nam không nên quá chú trọng đến con số tăng trưởng mà nên quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát.
“Việt Nam cần tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; kiến tạo và tạo lập một hệ thống doanh nghiệp trong nước đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập hiện nay. Nếu duy trì tốt đà tăng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đặt ra có thể sẽ đạt được”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, khuyến cáo.
Cần cải cách thể chế và nâng cao năng suất lao động
Theo chuyên gia kinh tế, động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ tiếp tục ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, còn nhiều dư địa cho tăng trưởng như phát huy cải thiện khu vực kinh tế nhà nước, giải ngân đầu tư công, phát triển kinh tế tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài.
TS Thành nhận định, năm 2018 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất.
Bên cạnh đó, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay và mục tiêu tăng trưởng bình quân đạt 6,5% trong giai đoạn 2016-2020, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành cho rằng, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời, từng bước nâng cao năng suất lao động.
“Chúng ta cải cách môi trường kinh doanh nhưng hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Nhưng nếu chúng ta kiên định làm điều này thì sẽ tạo được môi trường kinh doanh tốt hơn và các doanh nghiệp chi phí giảm xuống để lợi nhuận nhiều hơn thì đó sẽ là động lực. Động lực đó không phải chỉ cho năm nay mà còn lâu dài của Việt Nam”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nhận định.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, trong trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ ổn định ở mức khoảng 6,5%.
“Việt Nam cần tận dụng đà tăng trưởng theo chu kỳ để tăng khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô. Trong ngắn hạn, cần tập trung vào chất lượng, tính bền vững hơn là mức tăng trưởng. Tái tạo lại lớp đệm chính sách thông qua việc củng cố tình hình ngân sách cho bền vững; áp dụng chính sách tỷ giá và tiền tệ theo hướng ứng phó, xử lý nợ xấu, nâng tỷ lệ an toàn vốn và quản lý tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cần cải cách cơ cấu để đẩy mạnh tăng trưởng năng suất và nâng cao mức tăng trưởng tiềm năng thông qua tăng cường các thể chế thị trường và loại bỏ những trở ngại cho nhà đầu tư trong nước, bao gồm cả về hạ tầng”. Ông Sebastian Ekardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.
Nhiều dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 được các tổ chức trong và ngoài nước công bố với nhận định khá tích cực. Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì tốc độ 6,5-6,8% nhờ sự khởi sắc từ khu vực kinh tế tư nhân. Nếu các chính sách phát huy hiệu quả tích cực thì tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể đạt mức 6,8%./.
Cẩm Tú/VOV.VN
Ý kiến ()