Thứ Sáu, 17/01/2025 00:16 (GMT +7)

Cách ứng phó của người thành phố trước sự bủa vây của rau bẩn

Thứ 5, 14/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Hiện rau bẩn đang lan tràn trên thị trường khiến người tiêu dùng loay hoay không nhận biết được đâu là rau sạch, đâu là rau nhiễm hóa chất. Để đảm bảo cho chất lượng và sự an toàn cho mỗi bữa cơm gia đình, không ít người quyết định tự trồng rau hoặc tìm kiếm nguồn cung cấp rau sạch, rau an toàn được trồng theo đúng quy trình đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Chúng tôi gặp bà Phạm Thị Thành, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy tại vườn rau rộng khoảng 100 m2 của gia đình với đủ các loại rau xanh như rau muống, mồng tơi, cần tây, rau sâm nhật…

cach ung pho cua nguoi thanh pho truoc su bua vay cua rau ban hinh 0
Người dân tự trồng rau sạch phục vụ bữa cơm gia đình

Bà Thành cho biết, khu đất ở đây do hợp tác xã của phường bỏ trống nên nhiều người dân tận dụng trồng rau sạch, phục vụ nhu cầu gia đình. Rau được trồng theo phương thức truyền thống, bón lót phân trước khi gieo hạt, sau đó tưới bằng nước giếng, nước gạo, nước tiểu… Dù có phun thuốc trừ sâu cũng phải để 10-15 ngày mới thu hoạch, nên rất đảm bảo cho sức khỏe.

“Tôi bị bệnh đại tràng 10 năm rồi. Bác sĩ bảo phải ăn rau sạch mới chữa khỏi bệnh. Vì thế, tôi tự trồng rau ăn và bây giờ bệnh đã khỏi. Chẳng biết chất lượng rau ngoài chợ như thế nào nhưng tôi tự trồng rau nên cả nhà được ăn rau sạch, thấy yên tâm hơn nhiều”- bà Thành tâm sự.

Vườn rau bên cạnh, chị Nguyễn Thanh Nhâm đang chăm bón luống rau muống và bắt sâu vườn cải bắp cho biết, tận mắt nhìn thấy người trồng rau phun thuốc kích thích cho rau tăng trưởng nhanh, chị lo sợ, không tin vào chất lượng rau bán ngoài chợ, trong siêu thị. Vì thế, chị cũng học cách trồng rau, mua giống rau ở cửa hàng có uy tín về chăm bón phục vụ bữa ăn hàng ngày cho cả gia đình.

Chị Thanh Nhâm chia sẻ: “Tôi nhìn thấy có người phun thuốc rồi kinh lắm. Những người trồng bán họ phun hôm nay thì mai, ngày kia họ đem hái bán rồi. Sợ lắm. Rau muống đúng mùa thế này mà họ phun hôm nay, ngày kia họ hái rồi. Trồng rau vất lắm. Như rau cải với xà lách của mình không phải vụ trồng sâu hết luôn. Nhưng họ bán ở chợ trông vẫn mướt mát luôn. Cứ loại rau nào không phải vụ là sợ lắm”.

cach ung pho cua nguoi thanh pho truoc su bua vay cua rau ban hinh 1
Nguồn rau tại cửa hàng rau sạch

Đối với những người không có thời gian, điều kiện để trồng rau thì họ tìm đến các cửa hàng rau an toàn, có uy tín. Bà Nguyễn Bích Hạnh, quận Thanh Xuân cho biết, điều bà lo ngại nhất đó là sức khỏe của các con, các cháu. Sẽ rất đáng thương nếu các cháu nhỏ ăn phải thực phẩm bẩn. Vì thế, dù giá rau trong cửa hàng rau an toàn đắt hơn giá ngoài chợ, siêu thị khoảng 30% nhưng bà vẫn chấp nhận mua.

“Giá rau đắt không vấn đề, nhưng phải buôn đúng hàng tốt, hàng chất lượng. Đời tôi già rồi, ăn nhanh chết cũng không sợ. Còn lũ trẻ con toàn 5-7 tuổi, cháu 15-20 tuổi ăn mà làm sao thì chết. Buôn bán là phải đúng lương tâm. Hàng sạch hẵng buôn. Còn phun thuốc thì đừng có buôn. Tin tưởng hàng nào sạch thì mua. Họ phun những thuốc kích thích để nhanh lên. Rau là phải có phân gio, nhưng có điều phải bón đúng thời hạn, liều lượng cho phép. Còn ngoài chợ nhiều rau bẩn phun bừa bãi 5-7 ngày đã hái rồi”- bà Bích Hạnh cho biết.

“Có cầu ắt có cung”. Ngày càng có nhiều cửa hàng bán rau sạch và thực phẩm sạch nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân. Anh Mai Đức Cảnh, chủ cửa hàng Nông trang sạch ở Trung Kính, Cầu Giấy cho biết, từ nhu cầu của gia đình mong muốn được sử dụng thực phẩm sạch nên anh mở cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch và rau sạch cho người dân.

Trước đó, anh đã cất công tìm hiểu các nguồn cung cấp thực phẩm và rau uy tín, nuôi trồng tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh cho biết, hiện nay không ít cửa hàng, siêu thị vì lợi nhuận trà trộn rau không an toàn với rau an toàn. Để phân biệt được đâu là rau sạch, đâu là rau không an toàn bằng mắt thường rất khó nên người bán hàng phải là người có tâm.

“Trước tiên phải nói đến ý thức của người kinh doanh. Thứ hai là cơ sở sản xuất. Thứ ba là người tiêu dùng. Nhất là chỗ học sinh học hay tập thể đông người, người quản lý, phụ trách phải có trách nhiệm truy xuất nguồn gốc, tìm những sản phẩm an toàn cho số lượng lớn tập thể dùng. Người dân cũng cần tự xây dựng ý thức nói không với thực phẩm bẩn. Khi người dân không dùng, dần dần họ không bán được cho ai thì họ cũng không làm vậy nữa. Để có được niềm tin của khách hàng là điều không dễ dàng. Làm với lương tâm và sản phẩm của mình xứng đáng với đồng tiền của người dân bỏ ra và đảm bảo sức khỏe cho người dân, họ sẽ tự tìm đến với mình”.

cach ung pho cua nguoi thanh pho truoc su bua vay cua rau ban hinh 2
Rau sạch ghi rõ nguồn gốc xuất xứ

Với băn khoăn của người dân về việc làm sao để sử dụng được rau sạch, ông Nguyễn Xuân Điệp- Viện Nghiên cứu rau quả, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, người dân nên sử dụng rau phù hợp mùa, hạn chế ăn rau, củ trái mùa.

Chọn rau tươi không dập nát, không có mùi lạ, và nên mua tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các nơi bán rau cố định có cam kết bảo đảm an toàn; tại cửa hàng đã có kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau sạch an toàn. Để cải thiện tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường gây hoang mang cho người dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai nhiều giải pháp hạn chế tình trạng này.

Ông Xuân Diệp cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đề án tăng cường mạng lưới bảo vệ thực vật ở cấp xã. Trong đề án này, việc quan trọng là mỗi xã sẽ có một nhân viên trồng trọt, bảo vệ thực vật, là cán bộ chuyên trách, giúp cho việc tăng cường quản lý nhà nước ở cấp xã. Tiếp theo là Bộ chuẩn bị đề xuất với Chính phủ cơ chế chính sách thúc đẩy chuỗi rau an toàn, tạo điều kiện để sản xuất rau an toàn được đẩy mạnh, trong đó tập trung hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi rau an toàn này”.

Phong trào trồng rau “tự cung, tự cấp” ở Hà Nội đang lan rộng. Không ít gia đình lựa chọn trồng rau trên trần nhà hoặc quanh khu vực sinh sống, nơi đâu có đất trống là họ tranh thủ gieo rau “sạch” để ăn.

Cũng không ít người thường xuyên liên lạc gia đình ở quê, đều đặn hàng tuần gửi rau sạch, thịt sạch ra thành phố, để tủ lạnh ăn dần do không tin tưởng nguồn rau đang cung cấp trên thị trường. Đây là những cách người tiêu dùng tự bảo vệ mình trước thực trạng rau bẩn, mất vệ sinh như hiện nay./.

Kim Thanh – Vân Anh/VOV-Trung tâm Tin

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu