Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 06:07 (GMT +7)
Cách uống rượu không bị ngộ độc và xử trí khi chẳng may ngộ độc
Thứ 3, 24/01/2017 | 15:36:00 [GMT +7] A A
Những ngày Tết, không khí vui vẻ dễ làm người ta quá chén thậm chí dẫn đến ngộ độc. Uống rượu bia như thế nào để tránh nguy cơ ngộ độc rượu, gây hại cho sức khỏe và cách xử trí ngộ độc rượu như thế nào?
Những ngày Tết đang đến gần, rượu bia được xem là những đồ uống không thể thiếu trong những bữa tiệc trong ngày lễ Tết. Chính vì vậy, tại các bệnh viện vào những ngày lễ tết số người bị ngộ độc hay tai nạn do rượu gây ra cũng gia tăng.
Những tác hại khó lường từ rượu
Theo ThS BS.Võ Ngọc Quốc Minh, khoa Nội tiêu hóa bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, tình trạng ngộ độc rượu rất dễ xảy ra, đặc biệt là đối với những người uống phải những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa cồn công nghiệp gây độc cho cơ thể. Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do trong rượu bia bình thường có chứa ethanol, có thể gây độc hại nếu sử dụng nhiều.
Rượu bia không chỉ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nó còn là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các căn bệnh mạn tính |
“Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Trường hợp nhẹ, người bệnh có thể bị kích động, la hét, nói ngọng… Ngộ độc nặng hơn thì dẫn đến lơ mơ, hôn mê, khó thở, suy hô hấp”, bác sĩ Minh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, một số người thường hay tự ngâm rượu để uống với lý do an toàn hơn và tốt hơn cho sức khỏe, thế nhưng theo các bác sĩ, nếu ngâm rượu không đúng cách cũng có thể gây ra những tác hại khó lường. Bác sĩ Quốc Minh cho biết, nếu sử dụng các loại rễ cây, thảo dược, các loại động vật ngâm vào rượu mà không rõ thành phần hay công dụng, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể. Nếu uống các loại rượu ngâm quá nhiều thì vẫn có thể bị nghiện rượu, ngộ độc rượu và các tác hại tương tự rượu bia thông thường.
Theo các chuyên gia y tế, rượu bia ngoài việc gây ra nghiện hay ngộ độc cấp tính, còn có những tác hại khác như viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan ở những người uống rượu bia nhiều hoặc lâu năm; gây viêm tụy cấp; tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản; ung thư gan; ung thư đại tràng; giảm sức đề kháng cơ thể nên những người nghiện bia rượu dễ bị nhiễm trùng, lao phổi hơn người bình thường.
Ngoài ra, rượu bia còn gây rối loạn về tâm thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, tâm trạng dễ bị kích động, bạo lực, thậm chí có những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng con người. Rượu bia còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Uống rượu bia bao nhiêu là đủ?
Tác dụng tích cực của rượu bia trong những ngày lễ Tết là giúp mọi người thân mật, dễ dàng giao tiếp và kết bạn, giúp tạo dựng các mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu nói đến tác dụng của rượu bia đối với sức khỏe, chẳng hạn như rượu vang giúp làm giảm cholesteron trong máu, bảo vệ tim mạch, giảm đột quỵ. Như vậy, uống rượu bia như thế nào để tránh nguy cơ ngộ độc rượu và gây hại cơ thể trong dịp Tết sắp đến?
Bác sĩ Minh cho biết, tùy theo cơ địa từng người, người có nhiều men chuyển hóa ở gan sẽ chuyển hóa bia rượu tốt hơn, ít bị say hơn so với người có ít men chuyển hóa. Chính vì vậy, uống rượu bia cần điều độ, chừng mực trong khả năng của cơ thể, khi cảm thấy vừa sức thì nên dừng lại.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, trong dịp tết mọi người thường họp mặt có uống rượu. Trước khi uống, người sử dụng phải biết rõ nguồn gốc rượu; nên dùng rượu ở một mức độ vừa phải, không nên dùng quá nhiều, dễ bị ngộ độc rượu.
“Để uống rượu bia không ảnh hưởng đến sức khỏe thì đối với nam giới chỉ uống dưới 2 đơn vị, tương đương 2 chai bia hoặc 2 ly rượu vang mỗi ngày, đối với nữ giới chỉ nên uống dưới 1 đơn vị mỗi ngày”, bác sĩ Quốc Minh cho biết.
Theo các bác sĩ, cách đơn giản giúp hạn chế bị say và giảm tác hại của rượu là nên ăn no trước khi uống vì khi bụng đói thì rượu bia dễ hấp thu vào cơ thể dẫn đến say, nên uống nhiều nước vì cơ thể dễ bị mất nước khi uống rượu bia, đặc biệt cần lưu ý là không nên lạm dụng thuốc giải độc gan, thuốc giải rượu.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo: Sau khi uống rượu bệnh nhân bị buồn nôn và nôn, đau bụng, nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ bị hôn mê, khi đó cần phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu ban đầu. Tùy mức độ ngộ độc nặng hay nhẹ mà đưa đến cơ sở y tế để có định lượng được nồng độ methanol trong máu và được điều trị tích cực.
Các bác sĩ cũng lưu ý thêm: Khi bị ngộ độc rượu thì cần xử trí cho bệnh nhân nằm nghiêng để tránh tình trạng hít sặc chất ói gây ra suy hô hấp và viêm phổi về sau, giữ ấm cho nạn nhân vì khi ngộ độc rượu làm hạ thân nhiệt, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, gia đình hoặc người thân bệnh nhân nên cung cấp cho nhân viên y tế biết về những người cùng sử dụng rượu chung, xem họ có những biểu hiện hay triệu chứng giống bệnh nhân không; thời gian uống rượu, từ khi uống cho tới khi có triệu chứng ngộ độc xuất hiện.
Ý kiến ()