Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 07:54 (GMT +7)
Cải cách thể chế góp phần “châm ngòi” bùng nổ các thương vụ M&A lớn
Thứ 4, 25/07/2018 | 11:43:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp đang tạo sự khởi sắc cho hoạt động M&A tại Việt Nam.
Thị trường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam đã trải qua 1 thập kỷ sôi động. Trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỷ USD. Quy mô thị trường năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2008. Riêng trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,35 tỷ USD (bằng 139% cùng kỳ năm 2017).
M&A khu vực tư nhân ngày càng được quan tâm
Theo ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A thường niên, hoạt động M&A tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ không chỉ về số lượng và quy mô thương vụ, mà còn thực sự trở thành một kênh huy động vốn mới hiệu quả trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
“Sự bùng nổ các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 được “châm ngòi” bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, nhất là tại những doanh nghiệp lớn, phát triển khu vực kinh tế tư nhân… đang thực sự tạo ra bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam với kỳ vọng lớn hơn giá trị và số lượng thương vụ”, ông Lê Trọng Minh chia sẻ.
ThaiBev (Thái Lan) thông qua Vietnam Beverage mua lại 51% Sabeco trị giá 5 tỷ USD là kỷ lục M&A tại Việt Nam được tạo lập trong năm 2017. (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ) |
Đáng chú ý, hoạt động M&A không chỉ dừng lại ở khu vực doanh nghiệp nhà nước với 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp được bán thành công từ những thương vụ kỷ lục được xác lập tại Sabeco, Vinamilk… ở khu vực tư nhân, sự quan tâm ngày càng cao của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế cũng như những nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đối với các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, sản xuất thực phẩm và đồ tiêu dùng nhanh của Việt Nam đã và đang được thể hiện rõ nét, thông qua những thương vụ lớn thành công mà gần đây nhất là Vinhomes, Techcombank…, tạo ra những bước ngoặt mới trong hoạt động M&A tại khu vực này.
Theo dự báo của Nhóm nghiên cứu MAF về thị trường M&A Việt Nam, trong năm 2018 giá trị M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 6,5 – 6,9 tỷ USD. Trong đó, việc mua lại những công ty sản xuất hàng tiêu dùng (đồ uống, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu) không chỉ dừng lại ở việc mua lại thương hiệu, hoạt động M&A thực hiện việc mua lại mạng lưới phân phối để tiếp cận thị trường.
Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, các giao dịch tập trung vào mua lại các công ty tài chính tiêu dùng, công ty quản lý thẻ, dịch vụ tài chính nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Các giao dịch trong lĩnh vực bất động sản hướng tới các dự án bất động sản ở khu vực thành thị lớn, hoặc đô thị mới phát triển nơi tập trung dân cư, các dự án nghỉ dưỡng, các khách sạn ở vị trí trung tâm.
Sẽ xuất hiện các thương vụ lớn
Nhận định thị trường M&A trong năm 2018 và những năm tiếp theo, ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty AVM, Phó Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, năm 2018, M&A Việt Nam có thể chưa thực hiện được những thương vụ lớn như Sabeco, tuy nhiên, có thể thị trường sẽ đạt mốc tăng trưởng so với 2017.
“Với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 4 năm 2015 – 2018. Tuy nhiên để thị trường đạt một tầm cao mới thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp”, ông Đặng Xuân Minh lưu ý.
Cũng theo ông Minh, năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A được dự báo tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới. Cùng với đó, thị trường có thể xuất hiện các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Cố vấn cao cấp Diễn đàn M&A Việt Nam cho rằng, trong 1 thập kỷ tới, thị trường M&A sẽ diễn ra hết sức sôi động khi dòng đầu tư FDI tiếp tục đà tăng trưởng mạnh, xu hướng đầu tư theo hình thức mua lại đang gia tăng.
“Nếu như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thành lập các nhà máy, xây dựng các cơ sở sản xuất thì nay họ đã tìm kiếm các dự án, những doanh nghiệp của Việt Nam để mua lại. Hơn nữa, kỳ vọng về sự thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với lượng vốn rất lớn, đang đòi hỏi việc quản lý nguồn vốn này có hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp là những cơ sở thúc đẩy hoạt động M&A trong thời gian tới”, ông Tuấn phân tích.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để tạo nên một bước ngoặt mới trong kỷ nguyên mới. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro cần được lường trước và có giải pháp khách phục để hoạt động M&A tiếp tục phát triển.
“Bộ KH&ĐT mong muốn Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2018 sẽ phân tích, đánh giá đầy đủ và sâu sắc các yếu tố, làm cơ sở đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm tiếp tục khai thông hơn nữa dòng vốn đầu tư theo hình thức M&A. Hoạt động M&A phải trở thành công cụ hữu hiệu, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Ý kiến ()