Thứ Năm, 23/01/2025 02:28 (GMT +7)

Cải thiện môi trường kinh doanh cần thực chất

Thứ 4, 04/04/2018 | 08:54:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, khó liên kết chuỗi và chi phí sản xuất kinh doanh cao.

Những cải cách của Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Số doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký hoạt động của doanh nghiệp tăng nhanh, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hay giải thể cũng giảm mạnh. Đặc biệt, hàng loạt giấy phép con đã được bãi bỏ, các thủ tục hành chính về thuế và hải quan đã được giảm. 99% doanh nghiệp nộp thuế, khai thuế điện tử.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19 về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho thấy, năm 2017 năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới) so với năm 2016 lên vị trí 55/137 nền kinh tế. Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, Chỉ số đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Chỉ số nộp thuế và BHXH tăng điểm và có cải thiện mạnh mẽ, đạt vị trí 68/190 quốc gia…

cai thien moi truong kinh doanh can thuc chat hinh 1
Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, theo chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh những điểm sáng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thì vẫn còn hàng loạt khó khăn đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Phạm Ngọc Thành, CEO Công ty cổ phần Tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm cho biết, một trong những khó khăn mà công ty đang gặp phải là khó tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Bởi các ngân hàng thường đặt yêu cầu cao về tài sản đảm bảo trong khi doanh nghiệp mới thành lập 5 năm, kinh nghiệm hoạt động còn non yếu, hiệu quả kinh tế chưa cao… Đến nay, công ty vẫn đang loay hoay trong việc tìm kiếm nguồn vốn để kinh doanh sản xuất. Vậy nên doanh nghiệp dù có ý tưởng, có quyết tâm nhưng lại thiếu điều kiện để triển khai thực hiện các chiến lược và kế hoạch kinh doanh.

Còn theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Hiện chỉ hơn 20% doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng tham gia vào chuỗi giá trị liên kết khu vực, trong khi ở Malaysia là 46% và Thái Lan 30%.

Điều đáng nói, tính liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cùng một ngành nghề thường không có hoặc rất yếu. Điều này xuất phát từ tâm lý sợ bị thất bại, sợ bị đẩy ra khỏi thị trường nên các doanh nghiệp có xu hướng cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá để tồn tại trong phạm vi thị trường vốn đã nhỏ hẹp nay càng lại trở nên ngột ngạt hơn.

Cùng với đó, cần sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc rà soát, sửa đổi chính sách để giảm thiểu và xóa bỏ rào cản kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, các chi phí chính thức và không chính thức vẫn cao.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Việt Nam đang ở ngưỡng thay đổi nhiều chính sách để phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì những rào cản kinh doanh khiến cho sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trở nên yếu đi. Một phần nữa, quy mô của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang dần bị “teo” lại, khiến khả năng cạnh tranh tổng thể của doanh nghiệp cũng bị giảm sút.

Do đó, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cần được coi là một chính sách ưu tiên. Muốn vậy, phải tháo gỡ các rào cản làm giảm khả năng tiếp cận và tăng chi phí tiếp cận vốn, lao động và chi phí thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp với Nhà nước.

Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cũng kiến nghị phải tạo ra một sân chơi, một thị trường để liên kết chuỗi giá trị cung ứng giữa các doanh nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho các khối, đặc biệt là các khối doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào Việt Nam. Vì đây là những doanh nghiệp dẫn đường chỉ lối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể liên kết và tạo thành chuỗi. Nếu tăng kết nối được với chuỗi giá trị như vậy thì doanh nghiệp sẽ có phương án kinh doanh khả thi hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Hiện nay, nhiều bộ, ngành có cam kết cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng mới chỉ bằng lời nói, thực tế hành động lại chưa nhiều. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tăng cường kiểm tra đánh giá, giám sát đôn đốc các bộ ngành triển khai cắt giảm thủ tục hành chính một cách hiệu quả như doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng. Có như vậy mới tạo niềm tin cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.” Ông Mạc Quốc Anh cho hay./.

Chung Thủy/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu