Tất cả chuyên mục

Vài năm trở lại đây cây lục bình được người dân khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Long An nói riêng thu mua để sản xuất thành những mặt hàng thủ công có giá trị xuất khẩu, giúp hàng ngàn lao động có thêm công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống lúc nông nhàn.
Vào mùa thu hoạch, người ta cắt gốc lục bình, bỏ phần lá đi rồi đem phơi nắng
Đây là loại thủy sinh, thân thảo có trên khắp vùng sông nước Đồng Tháp Mười.. Ngày trước, lục bình tự sinh sôi, nảy nở và cứ nổi trôi theo dòng nước, lênh đênh từ các con sông lớn đến tận sâu các con rạch nhỏ, gây ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến lưu thông của xuồng ghe. Thế nhưng ngày nay, mỗi khi thấy hoa lục bình nở rộ, người dân vùng sông nước Đồng Tháp Mười lại khấp khởi mừng, vì có nguồn nguyên liệu để làm thêm, cải thiện cuộc sống.
Dọc 2 bên tuyến sông Vàm Cỏ Tây qua địa phận xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng là những bãi lục bình xanh non trải dài hàng km và tất cả đều có chủ. Lục bình ở đây được người dân giăng dây, giữ lại cặp mé sông, để cho chúng kết thành từng mảng dày giúp cây phát triển tốt. Vào độ thu hoạch, người ta cắt gốc lục bình, bỏ phần lá đi rồi đem phơi nắng. Hết đợt này, người dân lại nuôi giữ đợt lục bình khác. Cứ thế, mỗi năm chị Nguyễn Thị Đọt, xã Tuyên Bình Tây thu được 3 đợt lục bình, mỗi đợt kiếm được 15 triệu đồng chỉ với 2.000m2 mặt nước.
Phơi lục bình
Lục bình sau khi cắt được người dân đem về phơi. Gặp ngày nắng tốt, chỉ cần 3 hôm là lục bình đã khô lại và cho màu vàng tươi rất đẹp mắt. Đối với anh Nguyễn Văn Sỹ, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng thì đây là một nghề “làm chơi nhưng ăn thiệt” bởi chỉ cần tranh thủ lúc nông nhàn, mỗi ngày vợ chồng anh cũng cắt được 250kg lục bình tươi, sau khi phơi, thu về 25kg lục bình khô, kiếm hơn 450.000 đồng; bình quân 1 tháng làm kiếm 6 triệu đồng
Ngoài việc bán lục bình nguyên liệu, người dân còn đan lục bình gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài việc bán lục bình nguyên liệu, người dân còn đan lục bình gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ nghề này, mà 3 năm qua, bà Nguyễn Thị Phụng, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng có được việc làm ổn định lúc nông nhàn với thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng.
Từ một loại thủy sinh tưởng chừng bỏ đi nhưng lục bình lại chính là nguồn thu nhập hàng ngày của bà con. Cứ thế, gần 10 năm qua, hàng ngàn hộ dân Đồng Tháp Mười cải thiện sinh kế từ loài cây dại – lục bình. Tuy nhiên, việc nuôi trồng cây lục bình ven kênh, rạch nhất là những tuyến kênh lớn cần có sự tham gia quản lý của các ngành chức năng, nhằm tránh việc làm ách tắt dòng chảy, không đảm bảo an tòan giao thông đường thủy và môi trường./.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()