Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang để ghi âm, ghi hình, định vị . Đáng chú ý nhất, khoản 3, Điều 4 dự thảo nghị định này đề xuất: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Nhiều vụ việc tiêu cực đã được phát hiện qua băng ghi âm, ghi hình của người dân (ảnh minh họa, nguồn vnreview) |
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn An – Công ty Luật Cộng đồng cho rằng: Đề xuất này nhằm loại bỏ và ngăn chặn các đối tượng lạm dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm các bí mật cá nhân, bí mật quốc gia gây ra sự hiểu lầm về bản chất sự việc nhằm mục đích chống phá. “Tuy nhiên, điều khoản này cũng ảnh hưởng không ít tới những người hành nghề báo cũng như quyền tự do ngôn luận của công dân” – Luật sư Nguyễn An nhấn mạnh.
Nếu điều khoản này được thông qua và đi vào thực hiện thực tế thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác ngoài các tác dụng phòng chống như ý định ban hành Nghị định. Đó là công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm sẽ khó khăn. Bởi nếu không được phép sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình dưới hình thức ngụy trang thì khó có thể phát hiện ra những tiêu cực trong cuộc sống. Báo chí sẽ không thực hiện được đầy đủ các quyền của mình.
Xét dưới góc độ pháp luật, quy định này đi ngược lại với Điều 25, Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Khoản 2 Điều 4 Luật báo chí 2016 quy định về các quyền của báo chí, trong đó đáng lưu ý là các quyền quy định tại điểm c, d như sau:
“c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;
d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn An, nếu không được quyền sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị thì rất khó để phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Bởi phàm những việc xấu thì không ai công khai thực hiện cả mà phải bí mật theo dõi để có thể phát hiện ra”.
Luật sư Nguyễn An cũng đưa ra quan sát của mình, hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước (có quyền lực nhà nước) rất dễ có điều kiện hành dân vì người dân có hiểu biết hạn chế về pháp luật (như UBND và các cơ sở, ban ngành…), các cơ quan hành pháp rất dễ có điều kiện để tham nhũng vì các quy định của pháp luật vẫn còn lỏng lẻo, khoảng chống luật vẫn còn rộng.
Để chống được tham nhũng, nhũng nhiễu và tham ô của nhiều đơn vị quyền lực nhà nước thì mỗi cá nhân, công dân, nhà báo phải là những chiến sĩ trực tiếp để chiến đấu nhằm mục đích xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Độc quyền sử dụng thiết bị là cực đoan
Còn theo quan điểm của luật sư Đăng Quang – Văn phòng Luật sư Đăng Quang và Cộng sự, dự thảo này có nhiều mâu thuẫn, không khả thi bởi nó chống lại các điều luật của nhiều bộ luật đã được Quốc hội thông qua như Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Báo chí…
Đầu đề của dự thảo Nghị định là Qui định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang để ghi âm, ghi hình, định vị.
Phạm vi điều chỉnh là công tác quản lý Nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh thiết bị phần mềm nguỵ trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân, người Việt Nam và người nước ngoài có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và thành lập, cấp phép, đăng ký quản lý đối với phần mềm nguỵ trang, không thấy nói đến người sử dụng.
Nhưng đến điều 4, nguyên tắc hoạt động, khoản 1 nêu: tuân thủ Luật đầu tư, và các qui định khác của pháp luật có liên quan bảo đảm lợi ích của Nhà nước và cá nhân.
Phân tích nội dung này, Luật sư Đăng Quang nói: “Thực tế, chưa thấy bảo vệ lợi ích của Nhà nước và cá nhân đâu thì đã thấy 40% dân số Việt Nam vi phạm pháp luật vì đã và đang sử dụng phầm mềm, thiết bị nguỵ trang như điện thoại thông minh, máy ghi âm, ghi hình giấu kín… Và độc quyền đến cực đoan bởi qui định các đối tượng được sử dụng tại Khoản 3 điều 4”.
Luật sư Đăng Quang đặt vấn đề: Tại sao tiến bộ KHKT của nhân loại lại chỉ có một số “ông” được sử dụng? Trong khi nhiều người dân sử dụng thiết bị này để tố giác tội phạm như nạn vòi vĩnh hối lộ của một số cán bộ công chức, quan chức thoái hoá biến chất trong tất cả các cơ quan công quyền. Đã có nhiều trường hợp người dân bảo vệ tài sản của mình bằng cách giấu thiết bị định vị vào xe máy, ô tô nên đã “tóm” được tội phạm hoặc cung cấp dữ liệu cho cơ quan công an truy bắt. Dùng thiết bị KHKT để thực hiện quyền tố cáo của công dân, bảo vệ tài sản hợp pháp của mình sao lại bị coi là vi phạm pháp luật?!
Đã có rất nhiều nhà báo dùng phần mềm nguỵ trang phanh phui những vụ án tham nhũng lớn. Nếu không có các thiết bị nguỵ trang thì không thể tiếp cận tội phạm được, ví dụ vụ án đường dây CSGT nhận tiền làm luật, vụ án ăn cắp xăng dầu… thời gian qua có cơ quan điều tra nào phát hiện được đâu?
Việc cấm người dân sử dụng thiết bị nguỵ trang ghi âm, ghi hình là hạn chế tố giác tội phạm vì không có bằng chứng tố cáo.
Theo tư tưởng của Nghị định này thì đối tượng được cấp phép rất hạn hẹp, đối tượng sử dụng lại càng hạn hẹp hơn, vậy thì sao có thể gọi là kinh doanh thương mại được? Nếu vậy, chỉ cần giao cho “3 ông” được quyền sản xuất, nhập khẩu cấp cho chính nhân viên của mình (được qui định tại khoản 3, điều 4 của Nghị định) là xong.
Còn sợ các cá nhân, tổ chức dùng thiết bị này để phá hoại an ninh quốc gia, xâm phạm bí mật đời tư, tội phạm khác… tại sao chúng ta phải sợ? Chúng ta đã có rất nhiều đạo luật điều chỉnh hành vi đối với các loại tội phạm như xâm phạm an ninh quốc gia, tội vu khống, làm nhục người khác… bất cứ ai dùng phần mềm nguỵ trang để phạm tội cũng đều bị pháp luật trừng trị./.
Ý kiến ()