Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 08/01/2025 10:45 (GMT +7)
Cần cơ chế hợp tác phát triển du lịch trong APEC
Thứ 4, 05/07/2017 | 16:54:00 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực du lịch luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế thành viên APEC.
Hình ảnh du lịch của APEC đã không ngừng được quảng bá và củng cố với tham vọng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để phát triển du lịch bền vững, APEC cần sớm thiết lập các cơ chế hợp tác mới.
Kỳ vọng lớn
Năm 2015, APEC đã đón trên 396 triệu lượt khách du lịch, chiếm 33% tổng lượng du khách trên thế giới. Ngành công nghiệp không khói này đã tạo ra doanh thu trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% tổng doanh thu của ngành du lịch toàn cầu.
Trong “Tuyên bố Ma Cao” năm 2014, các Bộ trưởng Du lịch APEC đã đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút được 800 triệu lượt khách quốc tế. Theo ước tính, nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, nó sẽ giúp tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn khối thêm 3.800 tỷ USD, tạo thêm 21,1 triệu việc làm và đưa 15,2 triệu người thoát cảnh nghèo đói.
Hoa cải dầu trên những cánh đồng ruộng bậc thang tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Để thực hiện mục tiêu đó, vào tháng 5/2016, tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 9 ở Lima, Peru, các nền kinh tế APEC đã thông qua những hành động cụ thể nhằm định hướng tiến trình phát triển kinh tế dựa vào du lịch và lữ hành.
Theo đó, ngoài việc chú trọng phát triển du lịch hiệu quả và an toàn để đạt mục tiêu thu hút 800 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2025, những lĩnh vực cụ thể mà APEC sẽ tập trung trong thời gian tới bao gồm tăng cường kết nối hàng không quốc tế và trong nước, thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa du lịch, phát triển chương trình đào tạo kỹ năng cho người lao động, các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, doanh nhân để phục vụ mục đích tăng trưởng toàn diện.
Cũng trong năm 2016, tại Papua New Guinea đã diễn ra cuộc họp lần thứ 49 của Nhóm Công tác về Du lịch APEC (TWG) – nơi các quan chức APEC và các đối tác đã có những cuộc thảo luận về sự gắn kết sâu rộng của toàn khối đối với ngành du lịch nhằm hiểu rõ hơn về những thách thức mới cũng như tận dụng cơ hội tăng trưởng để xây dựng một ngành du lịch toàn diện và giá trị trong khu vực.
Và cam kết phát triển du lịch bền vững
Cũng giống với tăng trưởng kinh tế, sự phát triển “nóng” của ngành du lịch được dự đoán sẽ mang lại nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và khí hậu. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của thế giới nói chung và của các nền kinh tế thành viên APEC nói riêng.
Năm 2014, TWG đã công bố một báo cáo, trong đó có định nghĩa đi kèm những chỉ dẫn và bằng chứng nhận về du lịch bền vững. Ngoài việc đưa ra những hướng dẫn có tính thực tiễn, tài liệu này còn cung cấp thông tin chi tiết về cách thức xây dựng một địa điểm du lịch bền vững.
Gần đây nhất, tại Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững ở Quảng Ninh hôm 19/6, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC đã thông qua Tuyên bố chung với chủ đề “Thúc đẩy du lịch bền vững châu Á – Thái Bình Dương bao trùm và kết nối”.
Tuyên bố này đã chuyển tải thông điệp ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc và hành động nhằm thúc đẩy du dịch bền vững với 6 nội dung cơ bản gồm:
-Coi phát triển du lịch bền vững là một quá trình liên tục cần có sự theo dõi, đánh giá tác động một cách thường xuyên.
-Đẩy mạnh các chính sách phát triển du lịch nội địa và khu vực nhằm hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
-Khuyến khích các đóng góp kinh tế dài hạn, khả thi, đem lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
-Tôn trọng tính nguyên bản về văn hóa – xã hội của cộng đồng địa phương; sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên môi trường tự nhiên.
-Khuyến khích nhu cầu của người tiêu dùng đối với các hoạt động và sản phẩm du lịch bền vững.
-Đẩy mạnh đối tác công – tư với tư cách là biện pháp chính để phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững; tạo môi trường cạnh tranh, hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến du lịch, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiến hành thêm các nghiên cứu để các nền kinh tế APEC có thể thích ứng và tận dụng những thay đổi do các công nghệ mới tiên tiến đem lại.
Phát biểu với các phóng viên sau hội nghị trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết đại diện các nền kinh tế thành viên APEC đã thống nhất khẳng định tầm quan trọng của du lịch bền vững với vai trò là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, tăng trưởng kinh tế toàn diện bền vững.
Theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, khái niệm “phát triển du lịch bền vững” cần được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ về môi trường, về khí hậu mà kể cả về đời sống cộng đồng, vật chất và tinh thần của cộng đồng… và những giá trị truyền thống văn hóa địa phương, hệ sinh thái, di sản thiên nhiên….
So sánh với các tuyên bố chung trước đây, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Tuyên bố chung “Thúc đẩy du lịch bền vững châu Á – Thái Bình Dương bao trùm và kết nối” đã được cụ thể hóa hơn, đi thẳng và đi sâu vào những vấn đề mà các nền kinh tế thành viên APEC quan tâm, với những khuyến cáo được đưa ra như phát triển du lịch bền vững làm sao để không chỉ bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, mà còn nhằm các mục tiêu toàn diện để phục vụ kinh tế, xã hội, bảo đảm văn hóa truyền thống, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu hay giải quyết vấn đề tôn giáo, về văn hóa ứng xử…
Bên cạnh đó, tuyên bố chung này đã lưu tâm tới các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó đáng chú ý là các giải pháp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp này tham gia tích cực và đồng thuận cùng chung tay phát triển các hoạt động du lịch, qua đó nêu cao lợi ích cộng đồng, quyền hưởng lợi của tập thể, các doanh nghiệp và cá nhân…
Mặt khác, các nền kinh tế thành viên APEC đã cam kết sau cuộc đối thoại này, sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của các quốc gia và đưa ra những chính sách triển khai hiệu quả để làm sao phát triển du lịch bền vững, trong đó lưu tâm tới việc phát triển du lịch cộng đồng.
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, APEC cần sớm xây dựng một cơ chế nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên nhằm đối phó với các thách thức mà ngành du lịch khu vực đang phải đối mặt, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, và phát triển du lịch bền vững.
Ý kiến ()