Thứ Tư, 16/07/2025 19:22 (GMT +7)

Cần Đước: Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao

Thứ 5, 26/09/2019 | 16:17:00 [GMT +7] A  A

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An nói chung, Cần Đước nói riêng đã chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang các lọai cây trồng khác bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng Dưa lưới theo công nghệ cao

Với 6.000m đất nông nghiệp, anh Võ Hoàng Trọng, hiện ngụ tại ấp 5 xã Long Sơn huyện Cần Đước quyết định đầu tư để sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao.

Mô hình trồng dưa lưới áp dụng công nghệ cao của anh Võ Hoàng Trọng

Với diện tích trên, anh bố trí 3 nhà dưới, mỗi nhà lưới khoảng 1.000 -1.200m2, phần đất còn lại anh sử dụng làm các khu vực phụ trợ. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề nguồn nước tưới dưa, anh dành diện tích khá lớn đào ao lót bạt để trữ nước mưa, đảm bảo đủ nguồn nước trong vụ mùa khô. Với cách làm này tất cả hệ thống nước mưa ở trên mái nhà lưới, được thu gom đưa xuống ao, sau đó bơm ngựơc lên toàn hệ thống xử lí tưới dưa. Cách làm này đảm bảo chất lượng nước sản xuất và đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường.

Đào ao lót bạt để trữ nước mưa, đảm bảo đủ nguồn nước trong vụ mùa khô dùng tưới dưa

Hiện nay, anh đã hoàn thành 1.200m2 nhà lưới đầu tiên với kinh phí khoảng 450 triệu đồng, được đưa vào sản xuất. Đợt dưa đầu tiên anh trồng 3000 cây dưa lưới, sau 3 tháng thu hoạch trên 3 tấn, với giá bán 65.000đồng/ký, hiệu quả khá tốt. Đặc biệt, anh đang hướng tới xây dựng mô hình và sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký thương hiệu và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là một hướng đi phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn chất lượng cao và tăng hiệu quà sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng Bưởi da xanh ở xã Long Sơn

Còn với 2.500m2 đất nông nghiệp bị nhiễm phèn, thường xuyên bị ngập nước, trồng lúa không hiệu quả, anh Lý Thành Tài – ấp 1A xã Long Sơn huyện Cần Đước đã mạnh dạn lên liếp để trồng Bưởi da xanh. Với khoảng cách 4m một cây bưởi, anh trồng được khoảng 250 gốc Bưởi da xanh, sau gần 3 năm, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch.

Nông dân tham quan mô hình trồng Bưởi Da Xanh của anh Tài

Theo anh Tài, mỗi năm một cây bưởi cho khoảng 20 trái, thu nhập cũng được khoảng 1 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Mô hình trồng khoai Môn xen canh Gừng, Đu đủ đạt hiệu quả cao

Ngoài cây lúa và trồng rau màu chuyên canh, nông dân xã Phước vân huyện Cần Đước còn thực hiện mô hình trồng Khoai môn xen canh với đu đủ và gừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Văn Nghĩa nông dân ấp 2 xã Phước Vân người đã có kinh nghiệm trồng khoai Môn hơn 10 năm cho biết: Để trồng khoai Môn bà con nông dân phải lên liếp rộng khỏang 2m/ mương dùng trử nước để tưới khi nắng hạn; thông thường khi vào mùa mưa là bắt đầu trồng, mỗi bụi cách nhau khỏang 5 tấc, phần đất trồng còn lại trồng xen canh Gừng, Đu đủ … Khoai Môn dễ trồng tuy nhiên để củ khoai to, có năng suất và giá bán cao, cần phải chăm sóc cho thân khoai thật tốt ngay từ đầu, chú ý phòng bệnh đồng tiền trên lá. Sau khi trồng được khỏang 5 tháng thì thu họach.

Mô hình trồng khoai môn xen canh đạt hiệu quả

Với 7.000 m2 đất trồng khoai Môn, mỗi năm anh Nghĩa thu họach khỏang 10 tấn khoai với giá bán dao động từ 14.000 đồng – 18.000 đồng/ kg, thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa. Sau khi thu họach khoai Môn anh chăm sóc Gừng và nguồn thu từ cây Gừng cũng khá cao. Sau khi thu họach khoai Môn, gừng, thì cây đu đủ bắt đầu thời gian cho trái, anh tiếp tục bón phân chăm sóc để cây phát triển, cho trái to, đạt chất lượng và năng suất cao.

Có thể nói mô hình xen canh cây ngắn ngày và cây dài ngày mang lại lợi nhuận cao, giúp nông dân có nguồn thu nhập thường xuyên. Nhiều bà con không chỉ phát triển rộng mô hình mà còn linh hoạt lựa chọn cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường để đạt hiệu quả cao.

Kim Khánh – Kim Thoa

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu