Thứ Năm, 05/12/2024 08:50 (GMT +7)

Cần Giuộc lấy ý kiến đổi tên trường Tiểu học Long Thượng thành trường Tiểu học Nguyễn An Ninh

Thứ 4, 04/12/2024 | 11:41:26 [GMT +7] A  A

Ngày 3/12/2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc Đào Thị Ngọc Vui - Tổ Trưởng tổ tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng huyện chủ trì cuộc họp cho ý kiến đổi tên trường Tiểu học Long Thượng thành trường Tiểu học Nguyễn An Ninh. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các ban, ngành huyện và xã Long Thượng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Đào Thị Ngọc Vui chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và thống nhất việc đổi tên trường Tiểu học Long Thượng thành trường Tiểu học Nguyễn An Ninh. Nhằm khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Nguyễn An Ninh và nhắc nhở thế hệ hôm nay sống, học tập, cống hiến để xứng đáng với các bậc tiền nhân đi trước.

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15/9/1900, tại làng Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Thuở nhỏ, Ông học rất giỏi, 16 tuổi đã tốt nghiệp hạng ưu. Năm 1918, Nguyễn An Ninh thi đỗ khoa Luật của Đại học Sorbonne, Paris. Đây là ngôi trường danh tiếng của nước Pháp, đào tạo ra các chính khách, các nhà khoa học và văn hóa lớn. Sau hai năm học tập, Ông đã hoàn thành chương trình học 4 năm và được cấp bằng Cử nhân Luật hạng xuất sắc, gây chấn động đương thời.

Năm 1922, Nguyễn An Ninh về nước sáng lập ra tờ báo ‘‘Chuông rè’’. Năm 1926, Ông cùng với những người có chung chí hướng lập tổ chức Thanh niên cao vọng Đảng, hoạt động theo nguyên tắc Hội kín. Lo ngại trước ảnh hưởng của phong trào Hội kín, tháng 3/1926, Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt và kết án 2 năm tù. Ra tù, Ông tiếp tục hoạt động đấu tranh, bị thực dân Pháp bắt lần nữa và kết án 5 năm tù giam, 10 năm biệt xứ, rồi đày Ông ra Côn Đảo. Dưới chế độ hà khắc của địa ngục trần gian Côn Đảo và bị bệnh nặng, Nguyễn An Ninh hy sinh khi mới 43 tuổi.

Trường Tiểu học Long Thượng hiện hữu.

Việc đổi tên trường học thành tên các nhân vật lịch sử thể hiện sự ghi nhận và biết ơn đối với công lao của họ trong lịch sử nước nhà. Đồng thời cũng là một hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, truyền bá tri thức trong cộng đồng xã hội.

Thành Phát

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu