Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 16/11/2024 20:42 (GMT +7)
Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí gia tăng?
Thứ 6, 27/09/2019 | 09:58:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Để tránh bị ô nhiễm không khí, người dân nên hạn chế ra đường và nên uống nhiều nước, thường xuyên làm sạch môi trường sống xung quanh.
Airvisual- hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới sáng 26/9 ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonensia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204.
Ô nhiễm không khí vào 7h sáng nay theo quan trắc của hệ thống PAM Air.
Airsual cũng ghi nhận TP HCM ô nhiễm thứ ba thế giới trong sáng cùng ngày, sau Hà Nội và Jakarta với chỉ số AQI trung bình là 173.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN về giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại một số tỉnh, thành trong thời gian gần đây, Giáo sư (GS) Changsheng Chen đến từ Đại học Massachusetts (Mỹ) cho biết, kinh nghiệm để Mỹ kiểm soát nguồn ô nhiễm không khí cho thấy, địa phương nào muốn xây dựng một nhà máy ở đó thì phải có sự đánh giá về tác động ô nhiễm không khí của nhà máy đó khi sản xuất đến khu vực dân cư xung quanh.
Chính phủ Mỹ luôn có sự kiểm soát tình trạng ô nhiễm không chỉ ở 1 khu vực mà còn cả tác động đến khu vực khác.
Nếu một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP HCM và một số nơi khác bị ô nhiễm không khí thì cơ quan chức năng cần xác định nguồn ô nhiễm không khí chính là do đâu.
Qua đó, Chính phủ mới có được những giải pháp để kiểm soát và khống chế tình trạng này. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có những công cụ, dự báo để đánh giá sự phát tán nguồn ô nhiễm không khí đó như thế nào và dần có những chế tài để xử lý tận gốc nguồn ô nhiễm không khí.
Giáo sư Changsheng Chen.
Còn GS Nguyễn Văn Thanh Vân, Đại học Mc Grill (Canada) cho rằng, việc ô nhiễm không khí không chỉ bắt nguồn từ khí thải ở các nhà máy mà còn có thể do tác động từ yếu tố tự nhiên, nhiệt độ ẩm thấp, tác động của con người…
GS Thanh Vân đưa ra lời khuyên, ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP HCM và một số nơi trong thời gian gần đây có thể làm gia tăng các bệnh liên quan đến tai, mũi, họng và có thể gây nên nhiễm độc. Khi có cảnh báo của các cơ quan chức năng về ô nhiễm môi trường tại từng nơi, người dân nên hạn chế ra đường. Đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, phụ nữ có thai. Trong thời tiết, không khí bị ô nhiễm, người dân nên uống nước nhiều.
Đối với những người thường xuyên phải làm việc ở ngoài đường hay phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác thì phải đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn để ngăn chặn bụi mịn, hạn chế tối đa hít phải không khí bị ô nhiễm và khí độc từ môi trường. Ngoài ra, người dân cũng nên thường xuyên dọn dẹp, lau quét nhà cửa và làm sạch môi trường sống ở xung quanh.
Giáo sư Nguyễn Văn Thanh Vân.
Tổ chức Hòa bình xanh khuyến cáo, Việt Nam cần khẩn trương giảm phát thải ô nhiễm không khí ở những khu vực có chất lượng không khí kém bằng cách chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; chuyển đổi sang hệ thống giao thông bền vững, tăng cường các tiêu chuẩn phát thải và thực thi chế tài khí thải cho các nhà máy điện, khu chế xuất công nghiệp, phương tiện và các nguồn phát thải chính khác.
Việt Nam cũng cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cụ thể như, kiểm soát bụi trong quá trình thi công, vận chuyển nguyên vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng; tăng cường kiểm soát khí thải phát sinh từ các khu vực xử lý chất thải rắn nông thôn, làng nghề, cụm công nghiệp.
Ở những thời điểm ô nhiễm bụi tăng cao để phòng ngừa hít phải bụi mịn, các bác sĩ đưa ra lời khuyên, người dân cần mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ, hạn chế ra đường, nhất là vào giờ cao điểm, bởi vào thời điểm này nồng độ bụi mịn rất cao do lượng xe lưu thông lớn, kẹt xe làm gia tăng thời gian tiếp xúc với bụi mịn và làm tăng lượng bụi mịn đi vào cơ thể; hạn chế các hoạt động thể lực, thể thao gần đường giao thông, hạn chế hút thuốc lá, đốt hương…/.
Theo Bích Lan/VOV.VN
Ý kiến ()