Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 07:45 (GMT +7)
Cân nhắc việc tái đàn lợn nếu đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học
Thứ 7, 14/09/2019 | 09:23:00 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và góp ý cho các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian gần đây tỷ lệ tiêu hủy lợn do dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh so với các tháng trước đây.
Phun hóa chất phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Phạm Minh Hiền, xã Xà Bang, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Trong khi đó, mô hình, kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học đã có và rất phong phú, song hiện rất nhiều địa phương vẫn chưa cho phép tái đàn nên đề nghị các địa phương cân nhắc, xem xét việc tái đàn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học trong bối cảnh hiện nay để tránh việc thiếu và khủng hoảng nguồn thịt trong thời gian tới.
“Tổng số lợn bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 giảm 20% so với tháng 7 và giảm từ 35 – 40% so với thàng 5. Đây là số liệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng với dịch bệnh tả lợn châu Phi. Dù gặp rất nhiều khó khăn, song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn quyết tâm sẽ giữ vững mục tiêu tăng trưởng và 12 chỉ tiêu Chính phủ giao”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học.
“Lúc này việc vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc là đặc biệt quan trọng, cắt đường lây truyền bởi vi rút này ở bên ngoài rất yếu nhưng khi xâm nhập vào cơ thể lợn thì sức tàn phá rất lớn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi đã ban hành rất kịp thời các giải pháp, thông tin chỉ đạo, điều hành thông qua các Nghị quyết, quyết định.
Tuy nhiên, do bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin đặc trị nên tỷ lệ chết cao, tổng đàn lợn cả nước giảm khoảng 7%. Mặc dù vậy, việc thiếu hụt nguồn thịt lợn cuối năm không đáng lo ngại bởi có thể bù đắp bằng các loại khác như gia cầm, thủy sản…
“Vấn đề dịch tả lợn châu Phi phải xác định song hành lâu dài vì chưa có thuốc chữa nhưng nếu có lựa chọn đúng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái cơ cấu ngành hợp lý thì hoàn toàn có thể khắc phục và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra”, Thứ trưởng khẳng định.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nếu như năm 2016 cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, chiếm tỷ lệ 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, chiếm tỷ lệ 6,6% sang năm 2017 số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của cả nước tăng lên gần 2.500 trang trại (tăng 15,6%) và chiếm tỷ lệ 24,4% với tổng đàn xấp xỉ 2,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,3%.
Số liệu thống kê mới nhất năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, có thể nhận thấy xu hướng số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn cũng như tỷ lệ so với tổng đàn lợn cả nước được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt an toàn sinh học đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, qua gần 8 tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam…
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp chăn nuôi cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi; trong đó đều nhấn mạnh đến việc tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học đối với chăn nuôi lợn trang trại.
Cục Chăn nuôi cũng lưu ý các cơ sở chăn nuôi, ngoài khẩu phần thức ăn cơ sở có bổ sung chế phẩm vi sinh thì cũng có thể lập khẩu phần thức ăn theo điều kiện của cơ sở và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương theo một giai đoạn hoặc nhiều giai đoạn nuôi dưỡng. Trường hợp không tự phối thức ăn thì có thể sử tụng thức ăn công nghiệp đảm bảo nguyên tắc không có kháng sinh, chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc.
Một số chế phẩm vi sinh trong khẩu phần cơ sở như: nấm men hoạt tính Saccharomyces; vi khuẩn Lactic; bào tử Bacillus; enzyme…
Theo Cục Chăn nuôi, chế phẩm vi sinh chỉ phát huy tác dụng khi được sử dụng đúng yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất. Các cơ sở chăn nuôi cũng có thể mua các sản phẩm vi sinh được phép lưu hành tại Việt Nam đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng.
Ý kiến ()