Thứ Bảy, 04/05/2024 11:52 (GMT +7)

Cần những lãnh đạo “lăn” vào cuộc sống

Thứ 3, 29/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 28/3, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn vào dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, trong đó đề xuất nhiều kiến nghị tập trung nâng cao chất lượng đại biểu, chất lượng bộ máy nhân sự để Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả.

Tăng chuyên trách và chuyên nghiệp
Nhất trí với nhiều nội dung của bản báo cáo, hầu hết ý kiến khẳng định Quốc hội đã trải qua một nhiệm kỳ đầy ấn tượng và các đại biểu đều có chung niềm vinh dự, tự hào với tư cách đại biểu dân cử của mình. Một điểm được nhiều đại biểu coi là “dấu son” của Quốc hội khóa XIII, đó là thời khắc gần 500 đại biểu bấm nút thông qua Hiến pháp năm 2013 – bản hiến pháp bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đặt nền tảng cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện đại, hội nhập. Nhằm cụ thể hóa tinh thần của hiến pháp mới, trên 70 luật được Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong hơn 2 năm qua, nâng tổng số luật, bộ luật được Quốc hội khóa này thông qua lên đến con số 100.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phát biểu ý kiến.

 

Vui mừng phấn khởi là vậy, nhưng các đại biểu cũng không khỏi băn khoăn trước những hạn chế, tồn tại được báo cáo tổng kết nhiệm kỳ thẳng thắn chỉ ra. “Kỹ năng hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế, chưa tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội, có đại biểu có những phát ngôn chưa chuẩn mực, có đại biểu vi phạm pháp luật. Trong quá trình làm nhiệm vụ, đã có những đại biểu chưa thực hiện được điều đã hứa với cử tri, nhân dân như báo cáo đã nêu và các đại biểu này đã và sẽ được chính cử tri và nhân dân đánh giá sàng lọc”, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu rõ.

Đi sâu phân tích nguyên nhân, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng Quốc hội hiện vẫn nặng cơ cấu và đại biểu kiêm nhiệm là nhiều. Do cơ cấu nên không thể thoải mái để chọn được những người tài giỏi có tâm huyết, có trách nhiệm. Ông Phạm Đức Châu cũng nêu thực tế là đại biểu kiêm nhiệm có rất nhiều người giỏi, làm các vị trí quan trọng, nhưng nghịch lý là khi càng giữ vị trí quan trọng, càng giỏi thì họ càng không có điều kiện hoạt động Quốc hội, chưa nói nhiều người không thể phát biểu những vấn đề “nhạy cảm”, có thể gây khó khăn này khác cho địa phương mình.
Vì thế, nhiều ý kiến tại thảo luận ủng hộ việc tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách tại Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh: “Chất lượng của đại biểu có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng tỷ lệ đại biểu có năng lực, trình độ góp phần để bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên khoảng 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Qua tiếp xúc trước kỳ họp, cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị khoảng 60% đại biểu Quốc hội chuyên trách”.
Tuy nhiên, việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách tại Quốc hội cần phải tỷ lệ thuận với tính chuyên nghiệp, như kiến nghị của đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh). “Chuyên trách nhưng không chuyên nghiệp, nay thay, mai đổi là không hiệu quả. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét, tính toán kỹ và đặc biệt nếu chúng ta tiếp tục công chức hóa đại biểu chuyên trách như đang làm thì chỉ tăng bộ máy nặng nề, không phải tăng hiệu quả”, ông Trần Du Lịch phát biểu thẳng thắn.
Hạn chế luật khung, luật ống
Ấn tượng với khối lượng đồ sộ các luật, bộ luật được nhiệm kỳ Quốc hội này thông qua, nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, trăn trở về hiệu quả của các luật này khi đưa vào cuộc sống. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bày tỏ: “Có thể nói chúng ta đã xây dựng được một rừng luật, nhưng vì sao tình hình vẫn phức tạp, khó khăn? Điều này chứng tỏ vẫn còn rất nhiều luật không đi vào cuộc sống, không gắn bó với thực tiễn. Có những đạo luật chưa có hiệu lực đã phải sửa, hoặc có những đạo luật tuổi thọ ngắn, chứng tỏ chất lượng làm luật còn những vấn đề cần nâng cao”.

Làm rõ hơn thực trạng này, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, trong nhiệm kỳ này, để luật đi vào cuộc sống thì cần gần 5.000 văn bản dưới luật, trong đó gần 4.000 thông tư và thông tư liên tịch. Tình trạng luật khung, luật ống vẫn còn tồn tại, làm cho hiệu lực của luật giảm, đây là trách nhiệm của Quốc hội.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng cho rằng, trong xây dựng pháp luật, dường như vai trò Quốc hội và đại biểu Quốc hội chỉ ở khâu cuối cùng. Nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào luật. “Luật thì nhiều nhưng nhân dân sốt ruột lo lắng vì bệnh nhờn luật và có một bộ phận trong xã hội vẫn tự cho mình đứng lên trên pháp luật”, ông Lê Nam chỉ rõ.
Để nâng cao chất lượng xây dựng luật, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nhấn mạnh đến trách nhiệm của ba bộ phận: Cơ quan soạn thảo, Quốc hội và những người gửi tài liệu. “Những bộ luật rất lớn như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… nhưng gửi tài liệu rất chậm thì làm sao đại biểu có cách nào nghiên cứu được”, đại biểu nói.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị: “Quốc hội cần có chế tài xử lý trách nhiệm những người đứng đầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra. Làm một luật đã khó, tốn kém tiền bạc của nhân dân, nhưng luật không đi vào cuộc sống, không có tính khả thi thì làm luật để làm gì”.
Cũng cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở con người, đại biểu Lê Nam nói thêm: “Nhân dân cả nước rất quan tâm và theo dõi, ủng hộ từng bước đi, việc làm của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đồng chí Đinh La Thăng. Vì sao như vậy? Vì hơn lúc nào hết nhân dân khao khát việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhân dân chán lắm rồi những cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những ngôn từ ‘tăng cường’, ‘đẩy mạnh’, ‘nâng cao’. Nhân dân và cán bộ Đảng viên cần những người bí thư lăn vào cuộc sống”.
Bảo An- VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu