Thứ Năm, 26/12/2024 09:37 (GMT +7)

Cần Thơ tìm hướng đi cho du lịch cộng đồng – Cần sự chung sức, đồng lòng

Thứ 5, 08/04/2021 | 15:51:00 [GMT +7] A  A

Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa – du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng – lưu trú – lữ hành, để tìm hướng phát triển cho mô hình du lịch cộng đồng tại Cần Thơ, cần giải quyết được những bài toán về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, nguồn vốn đầu tư, hợp tác – liên kết, nguồn nhân lực…

Tổ chức liên kết, quản lý phù hợp

Về quy hoạch, theo chuyên gia du lịch Đỗ Đình Cương, Cần Thơ cần có mô hình tổ chức liên kết, quản lý; đăng ký kinh doanh, các điều kiện kinh doanh từng lĩnh vực một cách phù hợp. Cụ thể, cùng là du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên sinh thái bản địa, nhưng mỗi khu vực cần có những sản phẩm riêng biệt, không “đụng hàng”.

Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Đơn cử, tại huyện Phong Điền, cần gắn du lịch cộng đồng với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng phát triển không gian văn hóa-xã hội chung cho cộng đồng. Không gian này phải được xây dựng dựa trên các tiêu chí: Tính đặc sắc của sản phẩm văn hóa, sự tiện lợi trong khả năng tiếp cận những tuyến du lịch, nguồn nhân lực tại chỗ được tập huấn nghiệp vụ du lịch bài bản… Có như vậy, du lịch cộng đồng tại Phong Điền mới không “dẫm chân” với du lịch cộng đồng tại các quận, huyện khác.

Áp dụng quy tắc này vào phát triển du lịch tại cù lao Tân Lộc, cần có những phương án nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm du lịch đặc thù, riêng có của cù lao, các đặc sản được chế biến từ nông sản mà hiện nay một số hộ bước đầu triển khai và thành công như “rượu mận Sáu Tia” (tại vườn du lịch Sơn Ca), các sản phẩm từ ổi: Rượu ổi, ổi chiên giòn, gỏi ổi trộn khô mực (vườn ổi Cô Điệp)… Trên cơ sở đó có thể nhân rộng các hàng nông sản sẵn có khác trên cù lao như chế biến mứt chôm chôm, kẹo dừa, dầu dừa, mứt bưởi… Ngoài ra, trên địa bàn cù lao Tân lộc còn nhiều sản vật hấp dẫn cùng hệ thống nhà cổ có lịch sử hàng 100 năm có thể đưa vào khai thác du lịch tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng

Về cơ sở hạ tầng, Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh (Đại học Cần Thơ) dẫn ví dụ: Đến cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt), dù rất thích thú với các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng, nhưng lượng du khách đổ về đây vẫn còn rất hạn chế, nguyên nhân là đường sá, phương tiện di chuyển quá khó khăn. Toàn cù lao chỉ có bến phà Tân Lộc (phía thành phố Cần Thơ) và bến phà Tân Thành (phía tỉnh Đồng Tháp) là có thể lưu thông xe 16 chỗ, còn lại đều là các bến đò, chỉ có thể cho xe 2 bánh lưu thông.

Hơn thế nữa, phía cù lao chưa có bến tàu để đón khách dừng chân trên tuyến du thuyền sông Mekong từ Cần Thơ đi Long Xuyên – Châu Đốc sang Campuchia. Đường trên cù lao nhỏ hẹp, không có phương tiện vận chuyển khách trong nội bộ… Để giải quyết những khó khăn này, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.

Dẫn chứng thêm về du lịch cộng đồng Cồn Sơn (thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), hiện trên cồn không có dịch vụ lưu trú, các cơ sở vật chất cơ bản như nhà vệ sinh, nguồn cung cấp nước uống sạch tại vòi… không đáp ứng được yêu cầu của du khách. Đây cũng là một trong những trở ngại lớn để thu hút khách trở lại. Do đó, bên cạnh việc kêu gọi các nhà vườn tự trang bị nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch, lãnh đạo thành phố cần có các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách ưu đãi thuế, cũng như những hướng dẫn cụ thể “cầm tay chỉ việc” để các hộ làm du lịch có thể triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả.

Song song đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các hộ làm du lịch trong việc quảng bá điểm đến. Việc quảng bá này được thực hiện thông qua các lễ hội lớn của thành phố như Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Sắc xuân miệt vườn…, các chương trình xúc tiến du lịch, trưng bày tờ rơi giới thiệu về điểm du lịch tại các điểm lưu trú, khách sạn lớn…

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Về đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, Thạc sĩ Nguyễn Thị Bé Ba (Đại học Cần Thơ) cho rằng, đặc thù tài nguyên thiên nhiên của các vùng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố Cần Thơ khá giống nhau, do đó rất cần vai trò “nhạc trưởng” của chính quyền trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch cho từng vùng. Đơn cử như tại cù lao Tân Lộc, bên cạnh những vườn cây ăn trái như các vùng khác, nơi đây có thể phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh ở các “xóm nghề”, khu di tích trên cù lao, như xóm giăng câu, thả lưới tại khu vực Tân Mỹ 1; xóm làm mắm cá tra; Khu di tích lịch sử đình Tân Lộc Đông…

Tại Cồn Sơn, có thể định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù về ẩm thực, như bánh tét hồng đẳng sâm, lẩu nhiệt đới cung đình thực dưỡng… kết hợp các mô hình tham quan “độc quyền” của cồn như cá lóc bay, massage cá có màu, cá chảnh ăn chay, cá phun nước săn mồi…

Tại Phong Điền, cần nghiên cứu mở rộng thêm các dịch vụ nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm thực tế làm nông. Mô hình này đặc biệt phát huy hiệu quả đối với nhóm du khách nước ngoài. Các nhà vườn tại Phong Điền đang bước đầu triển khai một số mô hình như “Một ngày làm nhà nông”, “Một ngày làm điền chủ”… thu hút du khách tham gia. Trên cơ sở đó, có thể mở rộng các hoạt động trải nghiệm cho khách như cùng chủ cơ sở hái trái cây, bắt cá, chế biến bữa ăn, làm bánh kẹo, đồ khô từ những món khách tự tay thu hoạch được… Làm được điều này, các chủ cơ sở du lịch không những giảm bớt được nhân sự phục vụ, mà còn gia tăng sự hài lòng cho du khách, tăng doanh thu từ hoạt động bán sản phẩm du lịch do khách làm cho chính họ.

Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu

Bàn về thực trạng đối với nguồn nhân lực phục vụ du lịch, Tiến sĩ Tăng Tấn Lộc (Đại học Tây Đô) cho biết, năm 2020, Cần Thơ có 7.087 lao động trực tiếp, 26.200 lao động gián tiếp. Trong đó, lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 68%. Đặc biệt, ở mô hình du lịch cộng đồng, phần lớn nhân lực tận dụng người trong gia đình nên chất lượng không đồng đều, tỷ lệ người có thể giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc có hiểu biết sâu về văn hóa, các kỹ năng du lịch rất thấp.

Từ những nhận định trên, Thạc sĩ Nguyễn Du Hạ Long (Đại học Nam Cần Thơ) đề xuất giải pháp xây dựng mô hình hợp tác 3 nhà: “Nhà trường – Nhà doanh nghiệp – Nhà dân”. Theo đó, nhà dân đưa ra những nét đặc trưng văn hóa của khu vực mình, nhà doanh nghiệp du lịch nghiên cứu phát triển thành các sản phẩm du lịch độc đáo và định hướng đào tạo, nhà trường nghiên cứu những kiến thức liên quan và áp dụng định hướng đào tạo để cung cấp cho thị trường những nhân lực du lịch đáp ứng tốt nhu cầu thực tế…

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, để thực hiện triệt để và hiệu quả các nhóm giải pháp trên, cần có sự chung tay, đồng lòng từ chính quyền địa phương đến các hộ làm nông nghiệp, sự bắt tay vào cuộc của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Trong đó, chính quyền đóng vai trò “nhạc trưởng”, điều phối và tạo môi trường thuận lợi thông qua các chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế, mở rộng các kênh quảng bá… để các chủ thể trong chuỗi du lịch có cơ hội phát triển tốt nhất.

Các hộ làm nông nghiệp phải chủ động, sáng tạo trong các hoạt động của mình, trên tinh thần ứng dụng khoa học công nghệ vào dịch vụ, đẩy mạnh kỹ thuật số để phục vụ tối đa lượng du khách với chất lượng hoàn hảo. Các doanh nghiệp cần hỗ trợ thông tin, kết nối tuyến, tư vấn sản phẩm du lịch phù hợp với các nhóm du khách khác nhau. Về phía nhà trường, cần sâu sát nhu cầu thị trường du lịch để thiết kế các khóa học phù hợp với thực tiễn, đào tạo ra những con người có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, bắt tay vào làm với những kỹ năng thực tiễn ngay sau khi rời khỏi ghế nhà trường.

Ánh Tuyết (TTXVN)
https://baotintuc.vn/du-lich/can-tho-tim-huong-di-cho-du-lich-cong-dong-bai-cuoi-can-su-chung-suc-dong-long-20210408073915455.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu