Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:16 (GMT +7)
Cần tránh những tai nạn ở trẻ thường gặp trong ngày Tết
Thứ 7, 17/02/2018 | 10:10:00 [GMT +7] A A
Số trẻ nhập viện cấp cứu tại các bệnh viện do tai nạn sinh hoạt trong những ngày Tết tăng cao hơn so với ngày thường. Dưới đây là một số tai nạn trẻ thường gặp và lời khuyên của bác sĩ để phụ huynh không phải “mất Tết” vì những tai nạn đáng tiếc ở trẻ.
Tết là thời gian học sinh được nghỉ học, trong khi đó phụ huynh lại bận rộn với việc chuẩn bị Tết, chơi Tết nên đôi khi không để mắt đến con trẻ. Chỉ một vài phút lơ là của phụ huynh, với sự hiếu động, nghịch phá của trẻ, tai nạn có thể xảy ra.
Phỏng nước sôi là tai nạn trẻ thường gặp nhất khi trẻ ở nhà. Với sự hiếu động của mình trẻ có thể chạm tay, đụng đổ nồi nước sôi, nồi canh, bình trà đang nấu hay để trên bếp, trên bàn. Ngoài ra, trẻ còn bị phỏng do nhang, đèn dầu, đèn cầy thắp khi cúng hay bị phỏng điện do nghịch phá đèn chớp tắt trang trí. Phỏng do bàn ủi khi phụ huynh ủi đồ chuẩn bị mặc đi chơi Tết; bất cẩn để nguyên bàn ủi rồi đi làm việc gì khác, trẻ chạy chơi đụng trúng.
Số trẻ nhập viện cấp cứu do tai nạn sinh hoạt trong những ngày Tết thường tăng cao hơn so với ngày thường. |
Tết là dịp các loại kẹo, hạt được bày sẵn trên bàn, các bé có thể tự lấy ăn, bỏ vào miệng nuốt, bắt chước người lớn cắn hạt dưa, hạt bí. Nhiều trường hợp bé nuốt, mắc phải các loại hạt này trong đường thở, gây ngạt.
Trong lúc người lớn bận dọn dẹp, sửa soạn chuẩn bị tết, các bé có thể đi vào phòng tắm, ra sân, bị té chúi đầu vào thau, xô đựng đầy nước đã được hứng sẵn để dọn rửa nhà cửa, sân vườn. Tai nạn này thường xảy ra với các bé nhỏ tuổi, đang chập chững đi.
Phụ huynh thường hay đổ giấm, dầu lửa… sử dụng trong dịp tết trong các chai nhựa đựng nước, trẻ rất dễ lầm tưởng đó là chai nước và cầm lên uống phải. Bên cạnh đó, những ngày Tết, trẻ cũng không được ăn uống nề nếp như ngày thường, hay vừa ăn vừa chơi, nhiều trường hợp trẻ cầm muỗng, đũa ăn và chạy chơi bị té xốc vào miệng, mũi gây tổn thường vùng hầu họng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khuyến cáo: Đối với gia đình có con nhỏ, nhất thiết phải thiết kế ngôi nhà an toàn thay vì ngôi nhà đẹp, nhà xinh. Phụ huynh nên hạn chế đồ trang trí, đặc biệt là các loại đèn chớp tắt, vật nhỏ vì trẻ dễ bỏ vào miệng nuốt.
Bàn ủi, đồ nóng, nước sôi… nên để trên cao, đậy kín, khuất, tránh tầm tay trẻ em. Không nên để các loại hóa chất trong các chai đựng nước uống và không để các chai lọ này ở tầm tay trẻ. Tránh trữ nước trong thau, xô trong nhà.
Vào những ngày Tết, phụ huynh thường có thói quen dự trữ các loại thực phẩm, bánh kẹo và cho trẻ ăn những loại thực phẩm trên. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của trẻ thường yếu hơn người lớn, thức ăn thừa hâm đi hâm lại nhiều lần hay để quá lâu ở nhiệt độ phòng cũng có thể làm cho bé bị rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Các món ăn ngày Tết thường ít rau, nhiều chất đạm và mỡ, cộng với giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn sẽ gây ra táo bón ở trẻ nhỏ.
Thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường, khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết việc duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý rất quan trọng đối với trẻ. Trước tiên, phụ huynh hãy đảm bảo giờ giấc sinh hoạt và ăn uống của trẻ không bị xáo trộn nhiều. Tuyệt đối không nên để trẻ quên giấc, thức quá khuya hoặc ngủ đến trưa.
Hãy duy trì cho trẻ ăn đúng giờ và không bỏ bữa, nên bổ sung rau củ, trái cây tươi, nước lọc, men tiêu hóa cho trẻ trong những ngày này. Phụ huynh nên lưu ý không cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo và chất ngọt, cũng như để những thực phẩm này xa tầm mắt của trẻ. Các loại thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ, chất béo cũng cần được hạn chế.
Ý kiến ()