Thứ Hai, 20/01/2025 15:30 (GMT +7)

Cần tư duy mới về liên kết phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung

Thứ 6, 27/10/2017 | 11:25:00 [GMT +7] A  A

Với Quyết định 61/2008/QĐ -TTg ban hành ngày 9/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội dải ven biển miền Trung Việt Nam đến năm 2020”.

Theo đó, nêu rõ mục tiêu xây dựng dải ven biển miền Trung trở thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía Đông và là một trong các hành lang kinh tế Bắc – Nam quan trọng của miền Trung và cả nước. Đến năm 2020, tăng trưởng GDP của khu vực này sẽ đạt khoảng 12,9% đến 13%; tỷ trọng GDP của kinh tế trên biển và ven biển của toàn vùng duyên hải miền Trung đạt khoảng 76% đến 80,4% và đóng góp khoảng 82% đến 85% giá trị xuất khẩu của miền Trung.

Tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Nhìn lại gần một thập kỷ phát triển vừa qua, những thành tựu kinh tế xã hội mà khu vực duyên hải miền Trung đã đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh hiện có; chưa đáp ứng được kỳ vọng và mong muốn của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương; chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn vùng phát triển một cách đồng đều và cũng chưa thực sự góp phần nâng cao đời sống người dân thông qua việc tăng thu nhập; thay đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở các tỉnh, thành phố vùng duyên hải…

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, đại diện Nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung nhận định, dù các tỉnh đều nỗ lực tối đa để tận dụng lợi thế của mình, nhưng đến nay, vì nhiều lý do, các lợi thế đó vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Rõ ràng, nếu chỉ trông cậy vào lợi thế tự nhiên, dù to lớn đến mấy, cũng là không đủ.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp, nếu không biết phát huy đúng kiểu, lợi thế to lớn có thể trở thành yếu tố kìm hãm phát triển; dễ chuyển thành bất lợi thế, có tác động phá vỡ các nỗ lực phát triển của mỗi địa phương. Cuộc cạnh tranh phát triển cảng biển đang diễn ra quyết liệt giữa các tỉnh duyên hải miền Trung là minh chứng điển hình của nghịch lý này.

Ngoài việc tận dụng lợi thế biển thì việc phát triển hàng không và kết nối trên bộ của vùng duyên hải miền Trung cũng đang gặp khó khăn và chưa có hướng giải quyết thật sự đúng đắn, ông Thiên nhấn mạnh.

PGS.Ts Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, trong những năm qua, hấp lực thị trường của khu vực duyên hải miền Trung cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc đột biến. Dù các địa phương đều nỗ lực tìm kiếm các cơ chế chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư, song, kết quả chưa được bao nhiêu, ngoại trừ một số công trình, dự án được Nhà nước đầu tư có chủ định.

Tổng số vốn đầu tư thu hút được năm 2016 mới chỉ bằng 13% vốn đầu tư cả nước; kim ngạch xuất khẩu bằng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nền kinh tế… Đến nay về cơ bản, khu vực duyên hải miền Trung vẫn là vùng tương đối nghèo. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 88% của cả nước, chỉ cao hơn vùng trung du miền núi phía Bắc (67%) và vùng Tây Nguyên (84%).

“Ngoại trừ ba tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận, còn lại hầu hết các tỉnh, thành phố khác đều có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 7%. Các lĩnh vực phát triển ngành nghề, khu kinh tế, khu công nghiệp, kết cấu hạ tầng… chưa có sự phát triển và cải thiện rõ rệt nhưng chưa đủ sức tạo ra các bứt phá lớn”, ông Thắng dẫn biện.

Trước thực tế này, để phát huy hiệu quả của liên kết vùng, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế từng địa phương nói riêng và toàn vùng duyên hải miền Trung thêm sức bật vươn xa hơn, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cần phải có tư duy mới, cách làm mới đảm bảo tầm nhìn xa hơn và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài nhưng hiệu quả thiết thực.

PGS.TS Bùi Tất Thắng cho hay, cần xây dựng “chính sách vùng” và sớm thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu, phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng; khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Việc lập quy hoạch vùng và chính sách vùng phải

được xem như một công cụ quản lý “cơ sở”, không phải kêu gọi liên kết giữa các địa phương như trước đây vẫn làm.

Cùng với đó, cần tăng cường kết nối vùng duyên hải miền Trung với các vùng khác sắp triển khai các dự án hạ tầng giao thông, như trục Bắc – Nam có đường bộ cao tốc Bắc – Nam ở phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; trục Đông – Tây có đường cao tốc kết nối Thủ đô Hà Nội – Thủ đô Viêng Chăn (Lào) và tuyến đường sắt Viêng Chăn – cảng Vũng Áng…

Những dự án kết nối hạ tầng sẽ mở ra nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề, các khu kinh tế, khu công nghiệp… thuộc vùng duyên hải miền Trung trong thời gian tới, ông Thắng nhấn mạnh. Các địa phương trong vùng cần nỗ lực nhiều hơn, nhanh nhạy và quyết liệt hơn để đón bắt và thúc đẩy những cơ hội này.

Còn theo khuyến nghị của PGS.TS Trần Đình Thiên, vùng duyên hải miền Trung cần định vị lại cấu trúc phát triển kinh tế dựa trên lợi thế về du lịch. Tuy nhiên, cần đặt ra vấn đề, liệu ngành du lịch có đủ các yếu tố để bảo đảm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho toàn vùng hay không? Mối quan hệ tương hỗ giữa ngành du lịch với công nghiệp, nông nghiệp ở các địa phương sẽ được giải quyết như thế nào để dần thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các địa phương?.

Ngoài ra, cần xem xét lại thực chất mối quan hệ giữa lợi thế cảng biển và năng lực phát triển “hậu phương công nghiệp” của miền Trung. Cùng với đó, cần quy hoạch lại phát triển vùng duyên hải miền Trung theo hướng xác lập sự ưu tiên rõ ràng về thể chế và nguồn lực.

Đại diện một trong những tập đoàn đầu tư lớn tại khu vực duyên hải miền Trung, ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, nêu quan điểm: Tốc độ phát triển, nhất là về lĩnh vực du lịch tại vùng duyên hải miền Trung còn có độ chênh lớn và chưa thực sự “nắm chặt tay nhau cùng đi lên”.

Ngoài những địa phương đã phát huy hiệu quả những lợi thế trời phú về cảnh quan, văn hóa lịch sử… còn lại hầu hết các tỉnh khác chưa thể phủ sóng đậm nét trên bản đồ du lịch cả nước, mặc dù ở đó cũng sở hữu cảnh quan không hề thua kém.

Chính vì thế, chiến lược đầu tư của tập đoàn cũng sẽ tương thích với các điều kiện về khai thác du lịch dựa vào tiềm năng, lợi thế thiên nhiên và các cơ chế, chính sách ưu đãi ở từng tỉnh, thành. Đồng thời, nếu có sự gắn kết, tạo thuận lợi của toàn địa phương thuộc vùng duyên hải miền Trung trong việc phát triển ngành du lịch thì đó thực sự là điều tuyệt vời.

Tập đoàn FLC hiện đang tiếp tục mở rộng đầu tư nhiều dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nghệ An, Quy Nhơn (Bình Định), Quảng Bình. Ngoài ra, một số tỉnh khác như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên… Tập đoàn FLC cũng đang tiến hành khảo sát và đánh giá cao tiềm năng của các bãi biển và cảnh quan tự nhiên. Mặc dù vậy, cũng phải thấy rõ rằng, việc FLC có thể đi đến quyết định đầu tư phụ thuộc chính vào hai tham số quan trọng là quỹ đất và các chính sách của địa phương.

Bởi lẽ, các dự án của FLC đều có quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng và dịch vụ, nên quỹ đất triển khai dự án cần có diện tích 200ha đến 300 ha. Mặt bằng phải được đảm bảo “sạch” để thuận lợi cho việc triển khai dự án và không gây xáo trộn tới văn hóa, sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Thêm nữa, cần sự quyết tâm, đồng thuận của bộ máy chính quyền địa phương, để tạo điều kiện cho dự án được triển khai nhanh, đúng tiến độ đề ra.

Thạch Huê (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu