Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 05:07 (GMT +7)
Căng thẳng tỷ giá ngoại tệ ‘đè’ nặng doanh nghiệp xuất khẩu
Thứ 6, 24/05/2019 | 15:40:00 [GMT +7] A A
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng khiến đồng USD trên thị trường thế giới lên đỉnh mới, trong khi đồng nhân dân tệ (NDT) giảm vào trung tuần tháng 5.
Căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khiến tỷ đồng USD lập đỉnh mới. Ảnh minh họa
Hiện nay, tỷ giá trung tâm của VND với USD đang dao động quanh mức 23.000 đồng – 23.700 đồng (mua vào – bán ra). Tuy nhiên, tỷ giá USD niêm yết tại thị trường tự do hiện đang ở quanh mức 23.400 đồng/USD. So với thời gian trước, hiện đồng USD đang tăng giá và ở mức cao nhất gần 3 tuần qua.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân là do lợi suất trái phiếu Mỹ lên cao trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng trên 3 mặt trận thương mại, công nghệ và tiền tệ. Trong đó, cú đòn nhắm thẳng vào niềm tự hào công nghệ số một của Bắc Kinh: Tập đoàn Huawei – của Tổng thống Mỹ Donald Trump thật sự là cú sốc cho tiền tệ.
Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có hành động tương tự, kéo đồng USD xuống thông qua việc hạ lãi suất. Theo ông Trump, “nếu Fed hạ lãi suất, Mỹ sẽ thắng Trung Quốc”. Trong khi đó, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell vừa cho biết hiện vẫn còn sớm để xác định các tác động của cuộc chiến thương mại và thuế quan đối với chính sách tiền tệ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều khả năng Fed chưa giảm lãi suất.
Tuy nhiên, quyết định tấn công vào tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc Huawei khiến cho giới đầu tư thực sự lo ngại về triển vọng của nền kinh tế thế giới. Nhiều người tin tưởng cuộc chiến Mỹ – Trung còn kéo dài. Bởi những số liệu trên thị trường cho thấy, đồng Nhân dân tệ (NDT) đang trong đà mất giá mạnh so với USD. Với độ mở kinh tế khá lớn và là đối tác thương mại lớn với Trung Quốc, tiền đồng Việt Nam (VND) chịu nhiều sức ép trước động thái này.
Có thể thấy trong tuần qua, đồng NDT đã mất giá hơn 1%, ở mức 1 USD đổi được khoảng 6,83 NDT, trong khi tuần trước đó ở mức 6,787 NDT. Theo hãng tin Bloomberg, riêng từ đầu tháng 5 đến nay, NDT đã giảm giá khoảng 3%, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất ở khu vực châu Á.
Đánh giá về diễn biến này, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Trung Quốc muốn tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu để bù đắp tổn thất từ việc tăng thuế quan của Mỹ. Theo dự báo của TS Nguyễn Trí Hiếu, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế từ 10% lên 25% (từ ngày 10/5) đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khoảng 0,3% trong năm nay, thậm chí giảm tới 0,6% nếu ông Trump tăng thuế nhập khẩu đối với cả 300 tỷ USD các loại hàng hóa khác của Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế – tài chính TS Bùi Quang Tín cũng nhận định, việc Trung Quốc phá giá NDT và đồng USD tăng giá mạnh sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam. Thứ nhất, tỷ giá VND/NDT đang lên giá với mức tăng 0,5% so với NDT. Điều này có nghĩa, khi VND tăng giá thì chắc chắn là hàng hoá Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn và có lợi cho những nhà nhập khẩu. Thế nhưng, ngược lại sẽ rất bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Bởi đồng NDT là một trong 8 loại tiền tệ được tính trong tỷ giá trung tâm của Việt Nam.
Như vậy, hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Quốc sẽ vấp phải không ít khó khăn do giá hàng hoá Việt Nam trở nên đắt hơn so với hàng Trung Quốc. Thậm chí, hàng hóa Việt Nam sẽ khó khăn hơn ngay trên sân nhà bởi hàng Trung Quốc vào Việt Nam qua tiểu ngạch hay chính ngạch đều có lợi thế về giá.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, với bất kỳ tình huống nào, việc lựa chọn giải pháp cũng mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Nếu chủ động hạ giá tiền đồng sẽ giúp hàng xuất khẩu Việt tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước. Tuy nhiên, cũng phải tính toán cẩn trọng, nếu không Mỹ có thể cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ và dễ dẫn đến việc bị áp thuế tương tự Trung Quốc.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu vẫn có cái nhìn lạc quan vì trong tương lai, Việt Nam sẽ hút các nhà đầu tư lớn bởi đang có sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Qua đó, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra những cơ hội sản xuất, kinh doanh mới, với hàng hóa xuất khẩu mới; xuất khẩu sẽ lại quay lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực như thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, trong thời gian này, việc xuất khẩu của DN Việt vẫn còn nhiều bất lợi. Để đối phó với sức ép tỷ giá, chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín cho rằng DN xuất khẩu nên thay đổi quy định trả tiền khi ký kết hợp đồng mới. Cụ thể là nếu hợp đồng xuất khẩu hàng hóa với nước nào thì nên trả bằng tiền nước đó, không nên quy về tiền USD để tránh rủi ro về tỷ giá khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng. Ngoài ra, DN xuất khẩu cũng nên chủ động mua USD kỳ hạn. Theo đó, DN nên đăng ký mua USD thời điểm tỷ giá chưa tăng mạnh sẽ có lợi hơn đến cuối năm, chỉ trả phí mua USD kỳ hạn nhưng vẫn thấp hơn so với sự rủi ro biến động tỷ giá.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng NHNN cũng cần theo dõi, phân tích đánh giá thị trường và tác động của biến động tỷ giá; điều hành tỷ giá bình thường và sớm có thông điệp đến thị trường để trấn an thị trường, sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định tỷ giá VND, tránh rủi ro và lạm phát.
Bên cạnh đó, các DN cần hết sức bình tĩnh và đánh giá kỹ hơn tác động của chiến tranh thương mại và các rủi ro thương mại khác tác động đối ngành nghề kinh doanh của mình, DN mình để có giải pháp cụ thể.
Ý kiến ()