Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 19:55 (GMT +7)
Cảnh báo nguy cơ tử vong do bệnh dại
Thứ 3, 06/06/2017 | 15:21:00 [GMT +7] A A
Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 3000 người phải tiêm vắc xin/huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó nghi mắc bệnh dại cắn.
Nhân viên thú y huyện Đại Từ tuyên truyền cho người dân nuôi chó phải khai báo với chính quyền địa phương, không thả rông chó, tiêm phòng dại cho chó, không để chó cắn người và gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Thời gian gần đây, bình quân mỗi tuần, tại Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên có từ 80 – 100 người đến tiêm phòng dại do bị chó cắn. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua đã có 2 trường hợp trú tại phường Trung Thành (thành phố Thái Nguyên) và xã Nam Tiến (thị xã Phổ Yên) tử vong do bệnh dại.
Nguy cơ tiếp tục có người tử vong do bệnh dại ở Thái Nguyên là rất lớn nhất là khi đàn chó được tiêm phòng dại trên địa bàn chỉ đạt khoảng 50%, thậm chí ở một số huyện như Định Hóa, Võ Nhai… tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó chỉ đạt khoảng 30%. Nhiều người bị chó cắn vẫn không đến trung tâm y tế để tiêm phòng dại mà lại đi thử xem có mắc bệnh dại hay không bằng các bài thuốc dân gian…
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nguyên nhân chính dẫn tới việc xảy ra các trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn do công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh dại ở cở sở còn nhiều hạn chế; tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng dại chưa đạt độ bao phủ.
Nhiều người còn chủ quan khi bị chó mèo nghi dại cắn, không đến các trung tâm y tế tiêm phòng kịp thời… Hai trường hợp tử vong do bị chó dại cắn thời gian qua là do bắt chó đang ốm, bỏ ăn để chế biến và bị chó cắn nhưng sau đó người bị chó cắn lại không đi tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại kịp thời.
Khi bệnh nhân có triệu chứng điển hình của bệnh dại như: mệt mỏi, đau đầu, khó thở, sợ gió, sợ nước… mới đến bệnh viện điều trị thì đã quá muộn.
Để phòng chống bệnh dại, tỉnh Thái Nguyên đã đặt điểm tiêm phòng dại tại 9 huyện, thành, thị trên địa bàn; đồng thời chuẩn bị đủ cơ số vắc xin, huyết thanh phòng chống dại; giám sát, điều tra dịch tễ tình hình dịch bệnh và các ca bệnh phơi nhiễm trên địa bàn, thông báo với cơ quan thú y xử lý môi trường và tiêm vắc xin dại bổ sung cho đàn chó tại các địa phương có người tử vong do bệnh dại…
Trước nguy cơ gia tăng số người tử vong do bệnh dại, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo cán bộ y tế cơ sở và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại; khi bị chó, mèo nghi dại cắn cần đến các trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng, khai báo kịp thời cho cơ quan y tế nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như cộng đồng; tuyệt đối không giết mổ và chế biến chó ốm hoặc không rõ nguồn gốc làm thực phẩm; thực hiện tiêm phòng dại đầy đủ cho đàn chó theo chỉ đạo của chính quyền và cơ quan thú y địa phương…
Ý kiến ()