Chủ Nhật, 15/12/2024 10:36 (GMT +7)

Cảnh giác “sập bẫy” lừa đảo vay tiền online dịp cuối năm

Thứ 7, 14/12/2024 | 10:21:36 [GMT +7] A  A

VOV.VN - Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Nắm bắt tâm lý muốn vay nhanh và thủ tục đơn giản của nhiều người, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng thủ đoạn tinh vi, bằng hình thức cho vay online để chiếm đoạt tài sản của chính nạn nhân.

Ảnh minh họa

Biết chị Ly (ngụ quận Bình Thạnh) từng vay tiền tại ngân hàng nên đầu tháng 12 vừa qua, 1 số đối tượng liên tục gọi điện cho chị và mạo danh mạo danh nhân viên của các công ty tài chính để mời chào chị vay tiền với lãi xuất thấp và thủ tục nhanh chóng. Ban đầu chị không đồng ý, tuy nhiên, các đối tượng vẫn liên tục gọi điện thoại tư vấn. Do cũng cần tiền để trang trải dịp cuối năm, chị Ly đã đồng ý vay với số tiền gần 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi đăng ký, các đối tượng yêu cầu người vay phải trả trước các khoản phí dịch vụ, phí hồ sơ và phí đặt cọc với hứa hẹn sẽ trả lại, nhưng sau đó không giải ngân khoản vay, cũng không trả lại tiền cho chị Ly.

“Lúc đầu mấy ngày trước khoảng 2 tuần thì thấy số gọi nhiều lắm, nói bên em cho vay này kia nhưng mà em nói không vay. Xong rồi gọi điện tiếp nói là chị là Trần Thị Ly hay gì đó, xong rồi em bị lừa đảo”, chị Ly cho biết.

Tương tự, cách đây 1 tuần, anh Hùng (ngụ quận 11) có làm thủ tục vay gần 80 triệu đồng tại 1 công ty tài chính ở quận Tân Bình nhưng hồ sơ của anh không được duyệt.

Ngay sau đó 1 ngày, anh Hùng nhận được cuộc gọi từ 1 đối tượng xưng là bên công ty tài chính có trụ sở ở phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, thông báo anh được vay tiền bên công ty của họ mà không kiểm tra tín dụng và thủ tục rất đơn giản. Do thấy đối tượng biết rõ về thông tin của mình nên anh Hùng đã đồng ý vay.

Sau đó, đối tượng yêu cầu anh kết bạn qua zalo để gửi đường link đăng ký và hoàn tất các thủ tục nhằm “giải ngân” khoản vay.

Đối tượng tiếp tục gửi cho anh 1 đường link nói là app của ngân hàng và yêu cầu anh Hùng tải về. Khi khai báo xong đối tượng thông báo là khoản vay đã được duyệt nhưng chưa rút được do bị sai tài khoản, muốn sửa lỗi sai đó phải nộp 20 triệu đồng. Tin lời, anh Hùng chuyển tiền xong nhưng vẫn không rút được tiền. Lúc này đối tượng tiếp tục yêu cầu anh chuyển thêm 20 triệu thì mới được giải ngân.

Lúc này, anh Hùng nhận ra mình bị lừa: “Khi anh rút về thì nó báo là tài khoản bị lỗi, sai thông tin rồi nó nói mình đưa thông tin giả về tài khoản. Rồi nó nói nếu muốn xác thực thì phạt phí mình. Thì mới đầu cũng không biết nên mượn tiền của thằng bạn chuyển cho nó 20 triệu. Chuyển xong nó nói vẫn sai, nó kêu chuyển cho nó 20 chục nữa thì bắt đầu lúc nó mình nghi rồi”.

Cũng với thủ đoạn tương tư như anh Hùng, anh Huy (ngụ TP. Thủ Đức) bị các đối tượng lừa đảo, lấy gần 10 triệu đồng. Ngay khi biết mình bị lừa, anh Huy đã đến trước tiếp công ty tài chính mà các đối tượng cung cấp để đòi tiền lại thì được biết, công ty này không có hình thức cho vay online.

Tại đây, anh Huy mới vỡ lẽ ra nhiều người cũng bị như mình: “Nó nói nó là bên cho vay, kêu mình làm này làm nọ rồi kêu cho mình số tài khoản. Rồi nó nói mình cho sai rồi kêu mình nạp 9 triệu vào để gỡ. Thì sau đó mình lên mình hỏi công ty thì công ty nói mình bị gạt rồi, nhiều người bị gạt lắm.”.

Ngoài vay tiền, gần đây, nắm bắt nhu cầu người dân cần việc làm dịp cuối năm, các đối tượng cũng dùng thủ đoạn kêu gọi đầu tư bán hàng, làm nhiệm vụ online với "hoa hồng" cao. Cụ thể, các đối tượng liên hệ khách hàng, kêu gọi tham gia đầu tư qua website, ứng dụng đầu tư tài chính giả mạo với hứa hẹn lãi suất cao và dễ dàng rút vốn.

Ban đầu, đối tượng thanh toán "tiền lãi đầy đủ", nhưng khi nạn nhân nạp thêm tiền lớn hơn, đối tượng chặn tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền khách hàng đã chuyển:

“Ví dụ nó có cái đơn 1,2,3,4 thì ví dụ mình trúng đơn số 3 thì đơn đó là đơn 3 chục triệu. Nếu mà mình làm tiếp thì 3 chục triệu mình sẽ được lời lên đến 45 triệu, cộng thêm với hoa hồng và gì nữa, nó tầm 60 triệu. Xong rồi, em bắt đầu thì vay mượn bạn bè các thứ, nói chung là khi đấy, em cũng không đủ bình tĩnh và suy nghĩ.

"Họ bảo là em cứ làm cho xong nhiệm vụ là người ta trả lại tiền cho em. Em bán sạch vàng mới cưới, nói chung là sạch trơn luôn, em không còn cái gì hết ak, rồi em đi mượn bạn bè tùm lum nữa là hết 175 triệu. Bây giờ em nợ, nói chung là thảm lắm, thật sự là giờ ngay cả tiền sữa em cũng không có luôn”. 

Theo Công an TP.HCM, thời gian qua, địa bàn xảy ra 560 vụ lừa đảo với nhiều phương thức, thủ đoạn như sử dụng công nghệ gọi điện thoại bằng tổng đài ảo qua mạng internet để lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, cho vay tín chấp ngân hàng hoặc giả danh cơ quan chức năng yêu cầu nạn nhân cập nhật thông tin thông qua đường link lạ.

Ngoài ra, tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng có tính chất quốc tế cao, liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để đối phó với biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan chức năng.

Thượng tá Nguyễn Thăng Long (Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM) đưa ra những khuyến cáo: “Đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin, cập nhật các nội dung tuyên truyền từ các trang chính thống về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm. Thứ 2 là bảo mật thông tin thì cần phải chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động trên môi trường mạng, không chia sẻ thông tin cá nhân, các giấy tờ có chứa thông tin cá nhân.

Tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ, không rõ nguồn gốc. Thứ 3 là phải xác thực thông tin khi gặp tình huống yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan đến các loại tài khoản hoặc yêu cầu thông tin cá nhân, số điện thoại dùng đăng ký tài khoản, yêu cầu chuyển khoản hoặc thực hiện giao dịch qua điện thoại thì đề nghị người dân hết sức cảnh giác”.

Nhất Hoàng/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu