Thứ Sáu, 17/01/2025 06:46 (GMT +7)

Cảnh giác với dịch bệnh nhưng không ngăn sông, cấm chợ

Thứ 2, 07/06/2021 | 11:04:00 [GMT +7] A  A

Cần tuyệt đối tránh hai trạng thái, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; hai là khuynh hướng hoang mang, mất bình tĩnh, trông chờ, ỷ lại. Nơi nào, cấp nào có tâm lý này phải chấm dứt, chấn chỉnh ngay và tuyệt đối không để tái diễn.

Yêu cầu trên nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại các cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương. Điều này để đảm bảo việc thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Doanh nghiệp “chịu trận” khi địa phương mất bình tĩnh

Thực tế cho thấy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước ta vào đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 làn sóng dịch, trong đó, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2021, đã có hai đợt dịch bùng phát mạnh. Thành quả chống dịch của Việt Nam năm 2020 đã được thế giới ca ngợi là “ngọn hải đăng” và là “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế.

5 tháng đầu năm nay, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch thứ 4 nghiêm trọng hơn những lần trước, nhưng tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29%; thu ngân sách Nhà nước đạt gần 50% dự toán năm, tăng 15,2%; sản xuất công nghiệp tăng 9,9%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 14 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. An sinh xã hội, đời sống nhân dân cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, nhìn lại 2 làn sóng dịch từ đầu năm đến nay, không phải địa phương nào cũng giữ vững được tâm lý “bình tĩnh, không hoang mang”, kể cả vùng có dịch và không có dịch. Nhớ lại đợt dịch thứ 2, khi Hải Dương thực hiện giãn cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16/CT-TTg (từ 16/2), ngay lập tức, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã yêu cầu dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng, công dân của Hải Dương cố tình vào Hải Phòng, nếu bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly y tế tập trung của thành phố và phải trả phí. Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo giám sát các công dân làm việc trong các khu công nghiệp và trong khu kinh tế Hải Phòng, yêu cầu các chủ doanh nghiệp có cam kết về việc không sử dụng lao động của tỉnh Hải Dương.

Kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào địa bàn huyện Thanh Hà thu mua vải thiều. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Động thái này khiến người dân, doanh nghiệp ở Hải Dương điêu đứng khi hơn 4.000 ha rau vụ Đông đang đến kỳ thu hoạch, sản lượng gần 90,8 nghìn tấn, đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được, hàng nông sản không thể đưa ra cảng ở Hải Phòng để xuất khẩu. Các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu có điểm xuất phát từ Hải Dương bị dừng ách tại các điểm kiểm soát giáp ranh giữa hai địa phương. Lãnh đạo Hải Dương đã phải gửi công văn “kêu cứu” tới Bộ Công Thương, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương có cửa khẩu để được tạo điều kiện thông thương hàng hóa.

Câu chuyện của Hải Dương và Hải Phòng đã lặp lại với TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai trong đợt dịch này. Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch thứ 4, sau Bắc Giang và Bắc Ninh, tính đến sáng 7/6, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 396 trường hợp mắc COVID-19 do tốc độ lây lan nhanh.

Lo ngại dịch lây lan vào tỉnh, Đồng Nai đã ban hành Công văn bản 6180/UBND-KGVX, theo đó kể từ 00 giờ ngày 5/6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh (người cách ly tự trả phí) 21 ngày đối với tất cả những người từ TP Hồ Chí Minh về/đến Đồng Nai tính từ ngày rời khỏi TP Hồ Chí Minh; đồng thời yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 (người dân tự trả phí). Tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách từ Đồng Nai đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại (gồm xe hợp đồng, du lịch, taxi, tuyến cố định). Quyết định trên đã tạo làn sóng phản ứng mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai địa phương.

Lãnh đạo các Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Lương thực – Thực phẩm Việt Nam, Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, Hội Gỗ – Mỹ nghệ TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp Trẻ TP Hồ Chí Minh phản ánh, hàng hóa đi từ TP Hồ Chí Minh qua Đồng Nai tới cảng Cái Mép – Thị Vải và ngược lại bị gián đoạn đột ngột, trong khi lượng hàng và xe cung đường này rất lớn. Nhân sự TP Hồ Chí Minh làm tại nhà máy Đồng Nai cũng rất đông và lệnh cấm này (chiều ban hành tối có hiệu lực) khiến doanh nghiệp không kịp xoay xở.

Phó Chủ tịch Hiệp hội nhôm Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Austdoor Dương Quốc Tuấn cho biết, công ty của ông đóng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có già nửa cán bộ quản lý là người ở TP Hồ Chí Minh, quyết định của tỉnh đưa ra khiến công ty trở tay không kịp.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, hiện có hơn 6.000 người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hằng ngày di chuyển đến các khu chế xuất, khu công nghiệp: Cát Lái, Linh Trung, Bình Chiểu, Lê Minh Xuân 3, Đông Nam thuộc TP Hồ Chí Minh để làm việc; đồng thời có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và hàng hóa vận chuyển qua lại giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh, trong đó có nguồn nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện các nội dung nêu tại Công văn số 6180/UBND-KGVX của UBND tỉnh Đồng Nai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động sẽ gặp khó khăn, khả năng sẽ không đảm bảo duy trì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp thuộc Thành phố.

Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét và có ý kiến với UBND tỉnh Đồng Nai để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Mặc dù ngay hôm sau, ngày 5/6, Đồng Nai có văn bản mới gỡ khó cho việc đi lại của người lao động, tuy nhiên, vấn đề xử lý cho lưu thông hàng hóa vẫn “án binh bất động” và doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải “chịu trận”.

Đừng “ngăn sông, cấm chợ”

Khai báo y tế tại chốt kiểm dịch cầu Mỹ Lợi ở Quốc lộ 50, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Ảnh (minh họa): Hữu Chí/TTXVN

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) bày tỏ, trong bối cảnh dịch bùng phát, mỗi địa phương đều xây dựng các kịch bản chống dịch, nhưng qua 2 đợt dịch năm nay, một số quyết sách của các địa phương lại tạo nên tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gián đoạn chuỗi liên kết sản xuất hoặc các chuỗi xuất khẩu.

Để hạn chế tối đa tình trạng trên, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng, bên cạnh các kịch bản y tế cho con người, phải có thêm các kịch bản cụ thể đảm bảo duy trì các chuỗi cung ứng/sản xuất, đặc biệt là các chuỗi gắn với các mặt hàng thiết yếu hay mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ đạo.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh nằm trong các chuỗi liên kết hàng hóa lớn xây dựng sẵn các phương án lưu thông hàng hóa, các tuyến đường dự phòng cho vận chuyển hàng hóa khi dịch bệnh xảy ra. Việc này thời gian qua vẫn là tự thân các doanh nghiệp phải ứng phó nên rất lúng túng, trong bối cảnh mệnh lệnh và yêu cầu hành chính các địa phương còn rất khác nhau”, bà Thủy nói.

Tiếng kêu của doanh nghiệp đã thấu tới người đứng đầu Chính phủ. Chiều tối 5/6, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện “phê” một số địa phương áp dụng những biện pháp chống dịch “cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ làm gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn”. Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành; trong đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh; chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hóa giữa địa phương có dịch và các địa phương khác.

Bộ Y tế chủ trì, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ vùng đang có dịch.

Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, nỗ lực cao nhất bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2021.

Là một trong những tỉnh, thành đứng đầu cả nước về phát triển khu công nghiệp, những lo lắng thái quá của Đồng Nai có thể sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đã rõ, nhưng các doanh nghiệp ở hai địa phương này vẫn đang hàng giờ ngóng trông động thái mới từ phía các bộ và từ Đồng Nai.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/canh-giac-voi-dich-benh-nhung-khong-ngan-song-cam-cho-20210607100448090.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu