Chủ Nhật, 12/01/2025 08:43 (GMT +7)

Cấp thiết giảm lãi suất cho vay

Thứ 4, 11/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Cả Chính phủ và giới chuyên gia đều đồng loạt “thúc” ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

Lãi suất cho vay xu hướng tăng

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố, thanh khoản có dấu hiệu chịu áp lực,đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong tuần từ 4/4-8/4 tại tất cả các kỳ hạn (tăng 1 điểm % so với tuần cuối tháng 3/2016).

cap thiet giam lai suat cho vay hinh 0

Nguyên nhân tăng lãi suất là do nhóm các NH thương mại có tỉ lệ dư nợ tín dụng/huy động và tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao hơn mức dự kiến điều chỉnh của Thông tư 36. Mặt khác, lãi suất liên NH thời gian qua tăng chủ yếu do áp lực từ tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 bởi các NH đang tăng dự trữ vốn phục vụ nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong quý II/2016.

Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất cho vay

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2016 vừa công bố chiều qua, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học công nghệ… gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng nhẹ lên mức 9,3%-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Một số NH thương mại nâng lãi suất cho vay dài hạn (12-60 tháng) lên tới 11,5%/năm. Trong các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất phổ biến ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn và 9%-10,5%/năm cho trung, dài hạn.

Trong bối cảnh đó, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố hôm qua cũng có đánh giá: Nền tảng thực sự của nền kinh tế còn yếu. Hoạt động của hệ thống ngân hàng chưa thực sự lành mạnh và minh bạch. Các biện pháp quản lý mang tính hành chính, như chính sách trần lãi suất, đang làm cho hệ thống mang tính huyết mạch của nền kinh tế này trở nên mong manh trước những biến động kinh tế.

Ngoài ra, thời gian tích lũy sau khủng hoảng có thể vẫn chưa đủ dài để các tổ chức tín dụng xử lý được triệt để và lành mạnh hóa hoàn toàn bảng cân đối kế toán. Một quy mô đáng kể nợ xấu đã được cơ cấu lại trong giai đoạn khủng hoảng vẫn tạo ra những rủi ro tiềm ẩn đến hoạt động của hệ thống.

Cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất

Với thực trạng này, VEPR kiến nghị: kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài dẫn tới hình thành bong bóng tài sản.

“Lãi suất là giá vốn, giá vốn quá cao thì người dân sẽ không đi vay hay không muốn đi vay, làm chậm phát triển kinh tế”- chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, “mức mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là quá cao, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại, do đó đề xuất xem xét mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 ở mức 15%, và thực hiện các biện pháp mang tính thị trường định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất. Cụ thể, có thể xem xét điều chỉnh tăng hệ số dự phòng chung, hệ số rủi ro với các khoản cho vay lĩnh vực không ưu tiên”.

Đặc biệt, theo TS.Thành, mặt bằng lãi suất huy động-cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Cho nên, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các NHTM, đồng thời làmgia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

3 giải pháp cho bài toán chi phí vốn cho doanh nghiệp

Để giải quyết bài toán chi phí vốn cho doanh nghiệp, theo Viện trưởng VEPR, cần xử lý vấn đề căn cơ của nền kinh tế, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính hóa, sai lệch với nguyên tắc thị trường.

Vì thế, VEPR đưa ra 3 nhóm biện pháp cần thực hiện. Một là giảm chi ngân sách để tránh hiệu ứng lấn át, trái phiếu chính phủ phát hành làm tăng lãi suất vay vốn của của khu vực tư nhân. Hai là cải thiện hiệu quả hệ thống ngân hàng, xử lý vấn đề chủ sở hữu ngân hàng và loại bỏ tình trạng cho vay sân sau của các ngân hàng. Ba là nâng cao tỷ lệ tiết kiệm nội địa bằng chính sách tỷ giá cạnh tranh. Việc tiền đồng được định giá cao sẽ làm tăng sức mua của các hộ gia đình, tăng tiêu dùng và giảm tiết kiệm.

Cùng với đó, theo TS. Thành, tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Đại diện VEPR cho rằng khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản./.

Xuân Thân/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu