Thứ Tư, 13/11/2024 13:28 (GMT +7)

Chấn chỉnh nghịch lý bệnh viện thích… tụt hạng

Thứ 4, 24/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Vừa qua, Bộ Y tế đã phải “lên tiếng” khẳng định không có chuyện Thông tư 40 quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là nguyên nhân khiến một số cơ sở y tế vắng bệnh nhân đến mức phải xin tụt hạng bệnh viện. Vậy thực tế, đâu mới là nguyên nhân và giải pháp cho nghịch lý này?

Ông Lê Văn Khám, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề nêu trên.

Dư luận đang rất thắc mắc về việc một số bệnh viện lại muốn tụt hạng và đã “xin” được xuống hạng bệnh viện. Tại sao lại xảy ra tình trạng này và Bộ Y nhìn nhận vấn đề ra sao, thưa ông?

Theo quy định hiện hành, hệ thống khám chữa bệnh công bao gồm 4 tuyến: Tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương.

Hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước (thuộc ngành y tế) đã được xác định rõ tuyến khám chữa bệnh theo Luật khám chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân và nhà nước thuộc các bộ, ngành thì được xác định tương đương với các tuyến dựa trên hạng bệnh viện của cơ sở đó.

Còn hạng bệnh viện là cơ sở để xác định tuyến chuyên môn kỹ thuật (tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3 và tuyến 4). Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bệnh viện hạng 3, 4 tương đương với bệnh viện tuyến huyện, được áp dụng cơ chế như các bệnh viện tuyến huyện. Các bệnh tương đương hạng 1, 2 thì tương đương với bệnh viện tuyến tỉnh và áp dụng quy chế BHYT như bệnh viện tuyến tỉnh.

Trở lại câu chuyện một số bệnh viện xin xuống hạng, cần nhắc lại quy định từ 1/1/2016, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện, tức là người bệnh đăng ký BHYT ban đầu ở tuyến xã cũng có thể đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy giới thiệu vẫn được hưởng quyền lợi theo quy định. Do đó, để tăng thu dung bệnh nhân, một số bệnh viện tuyến tỉnh muốn đánh giá lại hạng, cụ thể ở đây là muốn bệnh viện xuống hạng 3, tương đương với tuyến huyện để được áp dụng cơ chế thông tuyến huyện.

Tuy nhiên, các BV cần phải thận trọng xem xét về đề xuất xin xuống hạng của mình, không phải cứ thích lên hạng hoặc xuống hạng nào cũng được. Vệc xếp hạng do các cơ quan có thẩm quyền quyết định căn cứ vào quy mô hoạt động, phạm vi chuyên môn, cơ sở vật chất, năng lực và điều kiện thực hiện các dịch vụ kỹ thuật của cơ sở đó. Khi các bệnh viện nghĩ đến việc xuống hạng cũng lưu ý rằng cơ quan chức năng, người bệnh sẽ phải đặt câu hỏi phải chăng bệnh viện đã giảm phạm vi chuyên môn hoặc năng lực kỹ thuật còn hạn chế, chất lượng chưa đảm bảo…, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, thương hiệu của bệnh viện. Đặc biệt, cũng cần lưu ý về những quy định thuốc và dịch vụ kỹ thuật chỉ được thực theo từng hạng bệnh viện.

Nhưng thực tế, BV Da liễu và BV Y dược cổ truyền tỉnh Đồng Nai, 2 bệnh viện vừa xin được xuống hạng 3, đang gặp khó khăn do bệnh nhân sụt giảm tới 80-90%.Phải chăng các cơ quan chức năng cũng cần sự hỗ trợ các bệnh viện?

Việc phân tuyến, phân hạng cần phải thực hiện đúng quy định. Theo đó, Bệnh viện Y học cổ truyền y học và Bệnh viện da liễu tỉnh Đồng Nai đều là bệnh viện tuyến tỉnh.

Nguyên nhân số lượng bệnh nhân sụt giảm tại các cơ sở y tế này có thể do trước đây, bệnh nhân đi khám chữa bệnh trái tuyến ở tuyến tỉnh dù là ngoại trú hay nội trú cũng đều được hưởng một phần chi phí nên họ đã đến khám chữa bệnh nhiều. Tuy nhiên, theo quy định mới từ 1/1/2016 thì bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú không được hưởng hỗ trợ như trước. Do đó, chỉ khi người bệnh thấy thực sự cần thiết mới chuyển viện đến các bệnh viện này, chứ không như trước đây là họ tự đi khám chữa bệnh trái truyến nên số lượng bệnh nhân đã giảm.

Chúng tôi nghĩ rằng, đã là bệnh viện chuyên khoa thì cần tập trung phát triển chuyên môn cho kỹ thuật cao của chuyên khoa đó. Các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh cũng cần thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, giúp các cơ sở y tế tuyến dưới trong việc chẩn đoán, đánh giá, xác định chính xác tình trạng bệnh lý để chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật kịp thời theo đúng quy định, tránh tình trạng giữ bệnh nhân ảnh hưởng tới quyền lợi của bệnh nhân.

Đến nay, đã có bao nhiêu bệnh viện xin xuống hạng, thưa ông? Bộ Y tế sẽ làm gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?

Bộ Y tế chưa nhận được đề xuất của một bệnh viện công nào hay Sở Y tế nào báo cáo về bệnh viện công xin xuống hạng bệnh viện. Hiện tượng trên mới xảy ra ở một số bệnh viện tư nhân, tức là năm trước họ xếp hạng 2, năm nay Sở Y tế xếp hạng 3.

Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra làm rõ hiện tượng trên tại từng địa phương, xem xét việc xếp hạng hiện nay và trước đây có phù hợp hay không. Qua đó, đánh giá những vấn đề cụ thể đang diễn ra để sớm có hướng dẫn phù hợp, đảm bảo sự chính xác trong việc đánh giá năng lực bệnh viện và bảo đảm cả quyền lợi cho bệnh nhân.

Hiện nay, việc phân hạng các bệnh viện tư nhân vẫn còn khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn xếp hạng. Khi nào thì thông tư này mới được ban hành thưa ông?

Hiện nay, dựa vào tiêu chuẩn, tiêu chí của các bệnh viện công lập, Sở Y tế và cácơ quan bảo hiểm xã hội địa phương sẽ phối hợp xếp hạng tương đương cho các bệnh viện tư nhân. Nhưng tốt nhất vẫn cần có văn bản riêng, chuyên biệt cho việc phân hạng các bệnh viện tư nhân nhằm đảm bảo tính thống nhất, tính chính xác, công khai minh bạch giữa các cơ sở y tế tư nhân triển toàn quốc. Do đó, đây cũng là việc mà Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ phối hợp để sớm có những hướng dẫn cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ sở y tế.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu