Thứ Tư, 25/12/2024 02:35 (GMT +7)

Chặn thông tin giật gân, câu khách trên báo chí

Thứ 4, 06/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Theo dự kiến, ngày mai (5/4), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Báo chí (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định chặt chẽ bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân… nhằm ngăn chặn tình trạng thông tin giật gân, câu khách trên các báo, nhất là các báo điện tử hiện nay.

Gây tác động không tốt cho xã hội
Thời gian gần đây, công chúng liên tiếp nhận tin buồn vì sự ra đi của những nghệ sĩ tài hoa. Nhiều hình ảnh đau thương của người vợ, của con cái họ được chụp cận cảnh và đưa lên trang nhất. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên mà những hình ảnh “đặc tả” đau thương này nở rộ trên các trang thông tin.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, việc đăng tin bài, hình ảnh để phản ánh, dẫn dường dư luận là quyền của báo chí, nhưng đi đôi với quyền là nghĩa vụ tôn trọng quyền nhân thân, quyền riêng tư của con người. Theo đó, việc đăng tải tin bài, kèm theo hình ảnh riêng tư đều phải được sự đồng ý của cá nhân đó. “Đối với những tin bài kèm theo hình ảnh mang tính chất “đặc tả” cảnh tượng đau thương, nếu không có cho phép của họ là chưa phù hợp với quy định của Luật Báo chí về bảo đảm đời tư cũng như vi phạm “Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí” vì một trong những điều quy ước đó là nhà báo phải góp phần phát triển lợi ích cộng đồng, tôn trọng quyền con người, không lợi dụng thông tin để xúc phạm nhân phẩm và làm thiệt hại đến lợi ích người khác”, luật sư Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phát biểu ý kiến về Luật báo chí (sửa đổi) trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 21/3/2016. Ảnh: An Đăng – TTXVN

 

Không chỉ xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, nhiều tờ báo hiện nay, nhất là những báo điện tử còn tập trung đi sâu khai thác những thông tin mang tính rùng rợn, giật gân như miêu tả chi tiết quá trình phạm tội của nhiều tội phạm giết người… Những thông tin hiếu kỳ như vậy luôn nhận được sự quan tâm đông đảo từ phía độc giả. GS Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng, những thông tin như vậy hoàn toàn không có lợi cho trật tự an toàn xã hội. Bởi khi đọc những thông tin này, nhiều người sẽ bị kích thích, đặc biệt là những kẻ có tâm lý tội phạm.

Rèn luyện đạo đức người làm báo
Đánh giá nguyên nhân khiến các thông tin giật gân, câu khách tràn ngập trên nhiều trang báo hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Chiến cho rằng, đó là do công tác quản lý, lãnh đạo báo chí chưa kịp thời do sự bùng nổ của thông tin trong thời đại toàn cầu hóa và đặc biệt nguyên nhân chủ yếu là do việc học tập, rèn luyện đạo đức người làm báo chưa được đề cao.
Từ thực tế này, luật sư Nguyễn Văn Chiến đề xuất, Luật Báo chí (sửa đổi) cần có quy định thống nhất cách tiếp cận của nhà báo khi đăng tin bài có tính chất nhạy cảm, mô tả hành vi tội phạm nhưng không có tính hướng dẫn mà chỉ được mô tả có tính mô phỏng. Những trường hợp đăng tải hình ảnh phải được chọn lọc trên nguyên tắc tôn trọng quyền riêng tư, cá nhân thuộc quyền con người đã được Hiến pháp quy định và bảo vệ.
Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các báo đặc biệt là báo điện tử, các trang thông tin nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để xử lý kiên quyết. Việc làm này sẽ đặc biệt có ý nghĩa giáo dục đối với những người làm nghề báo có vi phạm. Nếu mức phạt còn thấp thì phải nâng cao để bảo đảm tính răn đe, giáo dục chung. Đối với từng tờ báo, trang tin thì lãnh đạo các cơ quan này cũng cần thực sự chú trọng việc kiểm duyệt thông tin, hình ảnh chặt chẽ, sâu sát trước khi đăng bởi không phải thông tin, hình ảnh nào cũng có thể đặt lên mặt báo, tung ra dư luận. “Người làm báo phải biết giới hạn giữa quyền làm báo và nghĩa vụ tôn trọng, bảo mật đời tư của nhân vật”, ông Chiến nhấn mạnh.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, đối với những tờ báo đưa tin xâm phạm quyền riêng tư hay những thông tin có tính chất rùng rợn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, cơ quan Nhà nước có thể xử phạt, các tờ báo vi phạm phải đưa tin phải xin lỗi độc giả. Bản thân những người dân bị xâm phạm quyền riêng tư có thể khởi kiện, khiếu nại. “Đây là việc chúng ta làm chưa tốt và người dân cũng chưa có ý thức về vấn đề này. Nếu làm được, tôi tin sẽ phần nào khắc phục tình trạng thông tin giật gân, câu khách trên các trang báo hiện nay”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Thu Phương- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu