Thứ Ba, 14/01/2025 01:06 (GMT +7)

Chàng kỹ sư rời phố về quê nuôi cá kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Thứ 2, 14/03/2022 | 10:24:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Những năm gần đây, nhiều người ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An biết tới anh Lê Văn Thông một kỹ sư trẻ rời phố về quê khởi nghiệp thành công bằng nghề nuôi cá trê vàng. Không chỉ vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Thông còn giúp đỡ nhiều nông dân khác có cuộc sống khấm khá.

Lê Văn Thông, kỹ sư trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp thành công bằng nghề nuôi cá trê vàng.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp

Năm 2019, nhận thấy nghề nuôi ương cá trê vàng có nhiều tiềm năng để phát triển, chàng kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Thông đang công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đã xin nghỉ việc, về quê nhà ở xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ khởi nghiệp.

Anh Thông hiểu điều kiện thổ nhưỡng ở quê mình có thể nuôi được cá trê vàng và thành phẩm cũng dễ dàng tiêu thụ, nhưng ít người nuôi một phần vì khó mua cá giống. Ban đầu, anh đầu tư một ao nhỏ vài trăm m2, ương cá giống từ trứng cá tự nhiên. Khác hẳn với một số cơ sở ương cá giống là chọn mua cá trê vàng bố mẹ thuần chủng về cho sinh sản, anh Thông lấy chính con cá trê vàng sống ở kênh, rạch Mỹ Thạnh Tây để chọn lọc giống.

Cá giống có nguồn gốc từ cá trê vàng bố mẹ tự nhiên, cộng thêm cho ăn thức ăn sạch cho ra cá thành phẩm có chất lượng vượt trội, không khác gì cá đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Thông còn giúp bà con làm giàu từ con cá trê vàng.

Những ngày đầu gặp không ít khó khăn vì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng nhờ nắm chắc kỹ thuật và am hiểu đồng ruộng quê mình nên anh Thông đã thành công ngay lứa cá giống đầu tiên, thu lợi hơn 100 triệu đồng.

Anh Thông chia sẻ: “Cá giống bố mẹ tôi thu gom từ người dân đặt lợp, gom lại và nuôi lên cho sinh sản. Cá tự nhiên đã già sẵn nên mình đem vào chỉ cần dưỡng rồi lấy trứng. Nếu là cá người ta thuần sẵn thì đã lai thành F1, F2 nên tôi không chọn cách đó. Tôi nhân giống từ cá tự nhiên nên cá giống vẫn là F0”.

Những kết quả bước đầu là động lực để anh Lê Văn Thông mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi ương cá giống và hướng dẫn cho bà con địa phương cùng làm. Từ vài ao ương, nuôi chỉ vài trăm m2, đến nay anh đã cùng với bà con địa phương mở rộng mô hình nuôi lên đến hơn 10 ha. Để có đầu ra ổn định và thuận tiện giám sát vấn đề kỹ thuật, chất lượng, anh Thông thành lập Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thạnh Tây với 10 thành viên.

Anh Nguyễn Minh Thanh, thành viên Hợp tác xã này cho biết: “Anh Thông không chỉ giúp về hướng dẫn kỹ thuật mà còn thành lập hợp tác xã, góp vốn với bà con cùng làm. Nhờ đó bà con cũng có điểm tựa để vững tâm đầu tư sản xuất, cuộc sống cũng dần khấm khá hơn trước”.

Giúp nông dân cùng làm giàu

Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thạnh Tây được thành lập đã mở ra nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống của nông dân vùng biên giới huyện Đức Huệ. Với công thức hợp tác bà con góp đất, góp công, anh Thông hướng dẫn kiến thức, quy trình và tìm đầu ra, sản phẩm cá giống, cá trê vàng thành phẩm đã có mặt ở thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, miền Trung và xuất sang Campuchia.

Đến nay, mô hình nuôi cá trê vàng đã có đầu ra ổn định tại nhiều thị trường trong nước và xuất sang Campuchia.

Hiện cá giống thương lái đang bắt tại ao là 80.000 đồng/kg (100 con/kg), cá trê vàng thịt là 45.000 đồng/kg, giá thành khá cao nên nông dân phấn khởi. Riêng vụ thu hoạch ngay dịp tết vừa qua, có gia đình xã viên lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Anh Huỳnh Thanh Lời, một xã viên cho biết: “Ban đầu làm cũng hơi lo lo, nhưng có anh Thông hỗ trợ toàn bộ xã viên về giống, vốn và công nghệ kỹ thuật. Những đợt qua thu hoạch có đầu ra ổn định, trung bình mỗi hộ đều có thu nhập từ 50 – 200 triệu đồng”.

Với diện tích, quy mô như hiện nay, mỗi năm hợp tác xã này cung cấp ra thị trường 6 – 7 tấn cá giống và khoảng 100 tấn cá trê vàng thịt. Anh Lê Văn Thông đang cùng với bà con xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký sản phẩm OCOP cho cá trê vàng Mỹ Thạnh Tây nhằm nâng cao giá trị cho con cá.

Ông Bùi Văn Tín, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cho biết, anh Thông đã góp phần tạo công ăn, việc làm cho lao động nông nhàn, đồng thời giúp xã viên làm giàu từ con cá trê vàng. “Có những hộ nuôi diện tích trung bình khoảng 1.000m2 thì mỗi đợt vậy cũng lãi 100 triệu đồng. Vậy cũng cho thấy mô hình này nó đạt hiệu quả kinh tế khá là cao. Do đó các thành viên tham gia HTX cũng rất là phấn khởi khi tham gia vào mô hình ương và nuôi thương phẩm giống cá trê vàng này”.

Nuôi cá trê vàng cho thu nhập rủng rỉnh, nhờ đó cuộc sống không chỉ của gia đình kỹ sư trẻ Lê Văn Thông khởi sắc mà nhiều bà con nông dân địa phương cũng thoát cảnh khó khăn, trở nên khấm khá. Thành công từ khởi nghiệp của chàng kỹ sư đã động viên bà con vùng biên giới mạnh dạn đầu tư làm ăn, ổn định cuộc sống./.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu