Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Châu Thành kỷ niệm 163 năm ngày mất nhà tri thức yêu nước Phan Văn Đạt
Thứ 2, 19/08/2024 | 10:42:52 [GMT +7] A A
Ngày 18/8/2024, tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, Trường THPT Phan Văn Đạt tổ chức kỷ niệm 163 năm ngày mất nhà tri thức yêu nước Phan Văn Đạt. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Khải - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ; Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Thị Diễm Quỳnh - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Công Trạng - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ; Phó Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Hà Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện.
Cử nhân Phan Văn Đạt có tên hiệu là Minh Trai, sinh năm 1828, tại thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Tuổi mới thành niên, ông đã am hiểu sâu rộng, lại còn giỏi nghề đóng rương, tủ. Năm 1848, ông đỗ cử nhân tại Trường thi Gia Định nhưng không ra làm quan mà ở lại quê nhà để phụng dưỡng song thân. Với tính cương trực, thẳng thắn, ông được người dân nể trọng, kính mến, mỗi khi có việc tranh tụng đều đến nhờ ông phân xử.
Năm 1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Định, âm mưu xâm chiếm lục tỉnh Nam kỳ. Đầu năm 1861, Pháp phá vỡ đại đồn Chí Hòa, kéo quân đánh chiếm Tân An, Gò Công. Lúc đó, thế giặc rất mạnh, triều đình Huế bất lực, tìm cách cầu hòa. Trước tình thế ấy, cử nhân Phan Văn Đạt cùng cậu là tú tài Trịnh Quang Nghị dựng cờ khởi nghĩa, lập căn cứ ở phía Nam cầu Biện Trẹt (nay là ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) và chiêu tập nghĩa binh chống Pháp. Có thể thấy, cử nhân Phan Văn Đạt là người đầu tiên khởi nghĩa chống Pháp ở địa bàn huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Cuộc khởi nghĩa đã bùng phát mạnh mẽ đến các huyện lân cận.
Để đàn áp cuộc khởi nghĩa, ngày 16/7/1861 (âm lịch), tướng Pháp là Ba-Khu đem quân đánh úp căn cứ nghĩa quân và bắt cử nhân Phan Văn Đạt, hương thân Lê Cao Dõng và nhiều nghĩa quân. Chúng đem ông về phủ lỵ Tân An (lúc ấy đóng ở vàm rạch Châu Phê, đối diện bến đò Chú Tiết), dùng những cực hình dã man, khốc liệt nhất để tra tấn. Tuy nhiên, cử nhân Phan Văn Đạt vẫn thản nhiên, không chịu khuất phục.
Lúc ấy, giặc Pháp biết ông là người đứng đầu cuộc khởi nghĩa nên dùng móc sắt móc vào cổ họng của ông treo lên trên một chiếc tàu đậu ở bến đò Chú Tiết suốt mấy ngày liền cho đến khi ông qua đời. Khi ấy, ông 34 tuổi. Nghĩa quân đem xác ông về bí mật an táng ở phía Nam cầu Biện Trẹt.
Gương hy sinh của cử nhân Phan Văn Đạt làm dấy lên lòng yêu nước của dân tộc. Noi gương ông, các nghĩa quân ở tỉnh Gia Định đồng loạt nổi dậy tấn công giặc Pháp làm cho chúng bị thiệt hại nặng nề.
Ngày nay, tên của ông đã trở thành tên một con đường và là tên của một trường cấp 3 tại huyện Châu Thành.
Được thành lập từ năm 2014, Trường THPT Phan Văn Đạt (tiền thân là Trường THCS và THPT Thuận Mỹ) tọa lạc xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. Khuôn viên trường rộng rãi, thoáng mát với những tán cây xanh, vườn hoa được chăm sóc cẩn thận.
Hiện tại, trường có 54 giáo viên, cán bộ, công nhân viên. Những năm qua, các thế hệ thầy, cô giáo, HS trường không ngừng nỗ lực vượt khó, đạt thành tích cao, xứng đáng với ngôi trường mang tên người trí thức yêu nước Phan Văn Đạt.
Hoàng Anh
Ý kiến ()