4
10
Y tế/
/y-te
33568
33548
Chia sẻ của bác sỹ về những ca phẫu thuật kéo dài gần một ngày
chia-se-cua-bac-sy-ve-nhung-ca-phau-thuat-keo-dai-gan-mot-ngay
news
Long An| 30°C / 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 11:33 (GMT +7)

Chia sẻ của bác sỹ về những ca phẫu thuật kéo dài gần một ngày

Thứ 2, 27/02/2017 | 10:21:00 [GMT +7] A  A

 

Các bác sỹ trong một ca phẫu thuật vi phẫu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: PV/Vietnam )

Tập trung tinh thần cao độ, chính xác gần như tuyệt đối và không được phép mắc sai lầm. Đó là kết luận về những ca phẫu thuật kéo dài hơn chục tiếng đồng hồ hay tới gần một ngày mà chính những người trong ngành y cũng nể phục.

Trong cuộc trò chuyện về đề tài này, tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình – Hàm mặt (Bệnh viện Việt Đức) thẳng thắn: “​Những ca phẫu thuật vi phẫu kéo dài từ 8-10 tiếng, thậm chí tới 20 tiếng không còn là chuyện hiếm tại bệnh viện trong nhiều năm rồi, bởi các bác sỹ đã quá quen với việc phải tiến hành đồng thời nhiều kíp mổ vi phẫu nối đồng thời các bộ phận như tay, chân bị đứt rời cho bệnh nhân.”

Những cuộc mổ xuyên ngày đêm

Hà Nội những ngày mùa Đông giá rét, dường như mọi nơi đều vắng vẻ, tĩnh lặng và chầm chậm hơn. Tuy nhiên, có một nơi mà chốc chốc lại có vài chiếc ôtô hú còi inh ỏi, cả bác sỹ và nhân viên y tế rầm rập, khẩn trương đón và đưa những bệnh nhân nhanh chóng vào khu vực cấp cứu.

Ở nơi đó, bất kể ngày nắng hay mưa, thời tiết giá rét hay nóng nực thì không khí làm việc của những người y bác sỹ luôn thường trực trong trạng thái gấp gáp, vội vã để cấp cứu kịp thời, mang lại sự sống cho những bệnh nhân đang phải đối mặt với “cửa tử.”

Những khung cảnh đó đã trở nên rất đỗi thân thuộc diễn ra hàng ngày tại các khoa cấp cứu của hàng nghìn bệnh viện trên khắp cả nước.

Chia sẻ về những ca phẫu thuật “kỷ lục” về độ dài thời gian, tiến sỹ Hà khiêm tốn: “Với chúng tôi, thời gian một cuộc phẫu thuật kéo dài không còn là thử thách nữa, bởi tất cả kíp vi phẫu đều đã quá quen thuộc với những ca mổ trường kỳ như thế này rồi. Nếu như trước kia, một người phẫu thuật viên phải đứng liên tục từ 10-15 giờ đồng hồ thì nay công việc đã được san sẻ đáng kể khi có rất nhiều phẫu thuật viên vi phẫu được đào tạo thêm. Điều quan trọng là làm thế nào để phối hợp hiệu quả các kíp mổ vi phẫu để công việc đạt kết quả tốt nhất.”

Tiến sỹ Hà cho hay, những ca phẫu thuật dài là những ca phẫu thuật vi phẫu, phải thao tác trên những mạch máu thần kinh với những tổ chức rất nhỏ, việc làm này không làm được bằng mắt thường và phải dùng kính hiển vi phóng đại. Tất cả những quá trình đó đòi hỏi các động tác của người phẫu thuật viên phải rất tỉ mỉ. Vì vậy, những ca phẫu thuật vi phẫu kéo dài rất lâu.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những ca phẫu thuật phức tạp diễn ra thường xuyên. Bởi đây là bệnh viện tuyến cuối, nên hầu hết đều tập trung nhiều ca bệnh khó,, công việc này đòi hỏi các y bác sỹ phải nỗ lực hết sức. Đó là các ca phẫu thuật nối rất nhiều bộ phận cơ quan mất rời như da dầu, bàn tay, ngón tay, chân…

“Mỗi ca có một đặc điểm và độ khó riêng. Tuy nhiên, kỹ thuật khó phải nói đến những ca siêu vi phẫu, nối các mạch máu cực kỳ nhỏ như nối tai, nối mũi đứt rời. Bởi các mạch máu khi đi đến vùng tai hay vùng mũi đã chia ra rất nhỏ. Khi đó, các mạch máu ở đó chỉ còn có 0,4-0,5mm (bằng nửa của que tăm), khi đó người phẫu thuật viên phải khâu được 5 đến 6 mũi khâu dưới kính hiển vi siêu hiện đại và kim chỉ nhỏ để làm sao cho mạch máu đó có thể lưu thông tốt,” tiến sỹ Hà phân tích.

Kể về một trường hợp bệnh nhân gần đây, tiến sỹ Hà dẫn chứng, có người vào viện trong tình trạng với tổn thương 8 ngón tay bị đứt rời cùng một lúc. Khi đó, các bác sỹ phải cố gắng nối cho bệnh nhân với mục tiêu làm sao giữ được chức năng của bàn tay càng nhiều, nên số lượng ngón tay nối được khi đó càng nhiều càng tốt.

Thông thường, một ca nối ngón tay có thể mất 4-5 tiếng, nên khi nối nhiều ngón tay thì ca phẫu thuật vi phẫu có thể lên tới hơn 20 giờ đồng hồ. Các bác sỹ ngoài việc phải chạy đua với thời gian để phẫu thuật nhanh và hiệu quả còn phải có sự phối hợp làm sao để phần chi thể chưa nối được bảo quản, không bị hoại tử.

“Lúc đó không thể yêu cầu một người có thể làm tất cả mà phải có một đội thay nhau, sự phối hợp tốt với các bác sỹ gây mê hồi sức và bác sỹ của nhiều chuyên khoa để đảm bảo cho bệnh nhân có được kết quả tốt nhất. Bởi đó là những khoảng thời gian vàng để cấp cứu, mang lại một cuộc sống lành lặn nhất có thể cho những nạn nhân không may bị đứt rời các bộ phân trên cơ thể,” tiến sỹ Hà nhấn mạnh.

Gánh nặng gấp bội

Nghề nghiệp nào cũng có sự vất vả riêng. Tuy nhiên, với những người công tác trong ngành y thì dường như những gánh nặng, những khó khăn nhân thêm gấp bội. Bởi trong công việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe của người bệnh, chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của con người.

Những ca phẫu thuật vi phẫu được thực hiện thông qua kính hiển vi phóng đại. (Ảnh: PV/Vietnam )

Kể về những tình huống xảy ra bất ngờ trong công việc của mình, bác sỹ Trần Xuân Thạch, Khoa Phẫu thuật tạo hình – Hàm mặt (Bệnh viện Việt Đức) kể, rất nhiều bác sỹ rơi vào cảnh sau một tua trực ở bệnh viện đã mệt nhoài, vừa về đến nhà nghỉ được một lát, lập tức có điện thoại gọi yêu cầu kíp phẫu thuật vi phẫu phải có mặt tại bệnh viện để thực hiện một ca cấp cứu khó.

“Ngay tắp tự, tôi và nhiều bác sỹ khác phải mặc nhanh quần áo rồi vội tới viện. Sau đó, ca phẫu thuật diễn ra trong suốt hơn hơn 9 giờ đồng hồ” bác sỹ Thạch tâm sự.

Điển hình như, trong 7 ngày nghỉ Tết, con số thống kê của ngành y tế khiến nhiều người không khỏi giật mình. Trong khi nhà nhà, người người vui đón Xuân thì tại các bệnh viện các bác sỹ vẫn trực, vẫn tiến hành các ca phẫu thuật không ngừng nghỉ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho hơn 243.000 trường hợp, thực hiện gần 17.000 ca phẫu thuật.

Nói riêng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, mỗi năm các bác sỹ tại đây thực hiện khoảng 50.000 ca phẫu thuật, trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện cấp cứu từ 130-150 ca, trong đó có khoảng 30% ca bệnh cấp cứu phải phẫu thuật. Có lẽ chính bởi vậy mà tiếng còi xe cấp cứu, những chiếc đèn ủ báo đỏ quay tít luôn thường trực và hiện hữu hàng ngày, hàng giờ trước sảnh của bệnh viện.

Đặc trưng lớn nhất tại các bệnh viện là những chiếc phòng mổ luôn sáng đèn, các y bác sỹ lúc nào cũng trong trạng thái tập trung cao độ để cùng thực hiện “cuộc chiến” mang lại sự sống cho những bệnh nhân thoát khỏi sự đe dọa của thần chết. Khi ánh đèn phòng mổ tắt, bệnh nhân được an toàn cũng là lúc các y bác sỹ tạm bớt căng thẳng, thở phào nhẹ nhõm và nở được nụ cười trên môi./.

Thùy Giang (Vietnam )

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu