Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 01:36 (GMT +7)
Chiên chân không - Mô hình chế biến nông sản hiện đại
Thứ 2, 06/02/2023 | 10:49:08 [GMT +7] A A
Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Thành đầu tư mô hình sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản - trái cây chiên chân không, công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinagrin, xã An Lục Long kỳ vọng mô hình này khắc phục được nhược điểm công nghệ truyền thống để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
Dây chuyền chế biến nông sản - trái cây chiên được công ty Vinagrin đầu tư mới hoàn toàn vào cuối năm 2022. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 15 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 1 tỷ đồng, còn lại là kinh phí đóng góp của đơn vị thụ hưởng. Khi vận hành nhà máy, những lô hàng đầu tiên đã được xuất khẩu, sản lượng tăng dần từ vài tấn đến hàng chục tấn.
“Được sự hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, công ty được thêm sức mạnh, có được nguồn vốn để đầu tư thiết bị, mua hàng hóa sản phẩm. Công ty đang làm 3 mảng hàng tươi, cấp đông và sấy. Sấy này gọi thì mình gọi là sấy giòn, sấy chân không, chiên chân không, nhưng sắp tới sẽ có một số sản phẩm mình không chiên chân không được thì mình sẽ sấy dẻo, công ty sẽ tiếp tục đầu tư thiết bị máy móc để sấy dẻo”, anh Lê Thanh Nhân - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vinagrin cho biết.
Rau, củ, quả nguyên liệu sau phân loại sẽ qua hệ thống rửa, cắt gọt, chần, xử lý chiên chân không và đóng gói thành phẩm. Với công suất thiết kế của dự án khoảng 300 - 400 tấn/năm, công ty tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động trong và ngoài tỉnh.
“Thấy mức lương làm việc cũng ổn định, mọi người làm việc rất là vui. Em làm cũng được 5 - 6 năm rồi, hồi dịch bệnh công ty cũng tạo điều kiện cho mọi người làm việc, lương hướng ổn định, đủ lo cho gia đình”, anh Nguyễn Văn Thiệt - Công nhân Công ty Vinagrin cho hay.
Mỗi mẻ chiên chân không mất khoảng 1 - 1,5 tiếng để hoàn thành, tùy từng loại nông sản, đặc biệt, sản phẩm được quay ly tâm để tách dầu. Trung bình, cứ 200 tấn nguyên liệu tươi cho ra 10 tấn thành phẩm.
Anh Lâm Bảo Anh - Nhân viên Quản lý chất lượng, Công ty Vinagrin thông tin: “Ở Vinagrin nhà máy của em đang chạy hệ thống nhà máy tiêu chuẩn cao nhất, tất cả các khâu đầu vào, đầu ra mọi người kiểm soát chỉ tiêu rất gắt gao. Nhà máy có bộ phận quản lý chất lượng để kiểm soát tất cả nguyên liệu, thành phẩm có giấy kiểm nghiệm và mọi thứ đáp ứng thị trường Châu Âu”.
Do nhu cầu sử dụng nông sản chế biến đang gia tăng trên toàn cầu, dòng sản phẩm chiên chân không sẽ là một trong những lựa chọn mới mẻ cho khách hàng. Đây còn là đơn vị đi đầu trong nỗ lực đầu tư công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau, củ, quả.
Anh Lê Thanh Nhân - Giám đốc Công ty Vinagrin cho biết thêm: “Trước đây mình mua qua nhà cung cấp, khách hàng có yêu cầu về hàng sấy này nên mình mua qua một số công ty, sau sự phản hồi tốt từ khách hàng, mình mới mạnh dạn đầu tư tìm nhà cung cấp về máy chiên chân không này”.
Song song với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, việc đẩy mạnh đầu tư chế biến nhằm thúc đẩy sự gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản, từ đó sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu tại chỗ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần tăng thu ngân sách địa phương./.
Thanh Thủy – Trường Hải
Ý kiến ()